Hiện tượng Lê Thăng Long và tư duy phản biện

Hiện tượng Lê Thăng Long và tư duy phản biện

NGUYỄN TƯỜNG THỤY

.

Đã có lần Lê Thăng Long gửi bài, tôi lưỡng lự một chút nhưng lại nghĩ, cứ để cho gã nói. Tôi chẳng đăng thì gã vẫn đăng ở trang của gã hoặc ở các blog khác cơ mà. (tuy nhiên, cũng có bài tôi không đăng vì tôi thấy không nên đăng).

Cả một bộ máy tuyên truyền khổng lồ của Đảng CSVN, dù  thích hay không, họ vẫn cứ nói. Làm sao mà cấm được họ. Thế thì một mình LTL nói trên cái blog hoang vắng của tôi và một vài trang mạng khác thì ảnh hưởng (cứ cho là ảnh hưởng xấu đi) được bao nhiêu. Hay không dẹp được báo Đảng nên đành bắt nạt kẻ vừa mới ở tù ra, chưa khẳng định được chỗ đứng trong xã hội?

Mặt khác, con người xấu hay tốt, nó thể hiện ra lời nói, việc làm. Càng làm nhiều, càng nói nhiều, mọi cái hay, cái dở càng nhanh thể hiện. Vậy để sớm nhận ra họ tốt hay xấu cũng là điều tốt chứ.

LTL mang cả cuộc đời mình ra đánh cược. Gã đã phải trả giá bằng những năm ở tù. Gã đã mất nhiều thứ.

Chẳng phải tự nhiên gã ở tù. Gã đã làm những điều mà chính quyền cộng sản không thích. Hay là công an cho gã đi tù giả?

Hoặc là không tù giả đi, coi như là hắn tù thật rồi phản bội.. Gã phản bội, hợp tác với công an nên công an bố trí cho gã xây dựng phong trào Con đường VN để làm gì? Để chính thức tỉnh bao nhiêu người khác ư? Để chính họ phải gánh lấy những điều khó chịu ư?

Xong rồi họ lại bố trí cho gã từ bỏ phong trào mà gã xây dựng nên, theo lệnh của công an để phá hoại phong trào? Thế thì tốt nhất, đừng bố trí cho gã dựng nên cái đó nữa.

Hay là họ cho gã dựng nên phong trào Con đường VN để rình bắt những kẻ chống đối? Chẳng có cái phong trào ấy thì người ta vẫn tham gia đầy các hội, các hoạt động phản đối, phản biện nhà cầm quyền đó sao?

Bình thì cứ việc bình, nhưng đừng qui chụp cho người ta những gì chưa rõ. Cũng chính vì chưa rõ nên tôi có viết bài Chuyện vào, ra và Lê Thăng Long.

Trong bài viết, tôi chưa có một ý nào bênh vực, hay tỏ ra đồng tình với việc làm của LTL. Tôi chỉ nêu lên thái độ thận trọng của mình trước một sự việc chưa rõ ràng.

Đó là cách của tôi. Tôi không phản đối cách của người khác, nhưng tôi rất sợ hội chứng giỏi hơn người khác, đứng ở vị trí đỉnh cao trí tuệ hoặc lựa theo chiều gió mà phán xét này nọ.

Khi tôi viết bài Chuyện vào, ra và Lê Thăng Long, có người đã lo cho tôi là ngây thơ, tư tưởng không vững vàng và đoán vì tôi là bạn thân của LTL nên bênh gã. Với LTL, tôi chỉ mới gặp gã 1 lần ở Sài Gòn, do tối hôm ấy tàu bay bị nhỡ mấy giờ nên mới có cuộc gặp gỡ ấy. Tôi ra HN, chúng tôi cũng chẳng điện đóm thư từ gì với nhau, chẳng khi nào chát chít với nhau trên mạng.

Lại có người cho rằng tôi “trái tim lầm chỗ để lên đầu”. Nghe kinh quá. Nào LTL đã xúi bẩy tôi làm gì theo ý gã, nào tôi đã góp được lời nào để tô vẽ hình ảnh LTL. Bài viết con con vừa qua của tôi đã hại gì cho phong trào đấu tranh?

Tôi hiểu những ý kiến này chẳng phải là họ ghét tôi mà chỉ lo tôi không tỉnh táo trước âm mưu nham hiểm của kẻ địch mà thôi. Nhưng đến khi có kẻ bảo tôi rằng cũng là dân cá chìm với LTL, rằng đã lộ chân tướng thì tôi lại thấy thương hại cho sự nông cạn ấy.

Đọc một bài viết lướt qua, không cần biết người ta thế nào (hoặc cố tình không biết), đã viết những gì trong bài, chỉ cần một ý không giống mình là vội vàng la ầm lên.

Những điều LTL khẳng định về mình nó chẳng giống ai. Nào là tài cao, đức độ, nào là sẽ làm được điều này điều nọ… Tôi không thích tự nói về mình như thế. Nhưng nhỡ gã có tài thật thì sao. Gã “huyênh hoang” “tinh tướng” trong mấy bài viết gần đây như thế, liệu có phải là bản tính của gã hay gã nhằm mục đích gì. Gã là người có học, học nhiều là khác. Gã chẳng phải học suông. Gã đã từng lăn lộn trên thương trường, từng bị tù đày. Chẳng lẽ, gã lại ấu trĩ như thế? Lần gặp gã, qua 2 giờ gì đó ngồi chơi, chẳng thấy gã khoe khoang hay nêu ra tư tưởng, chương trình này nọ. Gã chỉ hỏi thăm tôi, kể chuyện vui và chúc tôi về Hà Nội bình an, khỏe mạnh. Mấy người tôi biết quen thân, có điều kiện giao tiếp thường xuyên với gã, tôi thấy họ đều quí gã.

Những người phản ứng LTL tôi hiểu đa phần là do bức xúc. Nhưng sao lại không nghĩ, trong số “bức xúc” ấy, có cả những kẻ nhân cơ hội tìm cách chia rẽ  LTL với phong trào đấu tranh, tìm cách vô hiệu hóa gã mà giả vờ bức xúc, vì họ biết LTL có phải là người của họ hay không hơn ai hết. Bên cạnh đó, đám DLV cũng chửi bới gã chẳng ra sao. Gã đang đứng giữa hai làn đạn.

Ngày đầu năm mới Dương lịch, trên facebook, tôi tâm sự 2 điều ước nhỏ nhoi:

– Thay đổi cách nghĩ cứ trái ý Đảng CSVN thì đó là phản động.
– Thay đổi cách nghĩ ai không thích người mình thích, không ghét người mình ghét tức là người xấu.

Ngày xưa đi học phổ thông, học về truyện ngắn thấy chỉ có 2 tuyến nhân vật: chính diện và phản diện. Không có loại nhân vật thứ ba với tâm lý phức tạp, với những việc làm có vẻ mâu thuẫn. Viết gì thì viết, nhưng nhân vật chính diện bao giờ cũng hoàn hảo, nhân vật phản diện cái gì cũng xấu. Không thể khác. Kết thúc truyện (hay vở kịch) bao giờ phe chính diện cũng thắng. Bác nào học cao hơn, học sâu về chuyên ngành hẳn là rõ hơn về kiểu lý luận này.

Sau 30/4, anh em chúng tôi thì thầm truyền cho nhau một phát hiện “rất mới” rằng thắng “ác ôn” nó cũng biết thương yêu vợ con nó. Sau “bức rèm the” nó yêu vợ nó không khác gì những người cộng sản”…

Cái lối tư duy “chính diện, phản diện”, cứ sĩ quan Sài Gòn là “ác ôn” sắt máu, không có tình người, con người nhất định phải thế này hoặc ngược hẳn lại chẳng lẽ theo đuổi trong tư duy mãi.

Cái lối qui chụp hồ đồ, bịt mồm bịt miệng, thiếu dân chủ là sản phẩm của chế độ độc tài. Nhưng những người tỏ ra muốn lật đổ chế độ độc tài có khi mắc phải còn trầm trọng hơn.

Tôi biết nhiều người khi comment thì hô hét kinh lắm. Họ ra rất bức xúc trước hiện trạng xã hội. Nhưng những người xúi bẩy chúng tôi ôm vũ khí lật nhào chế độ này, tôi chắc không thiếu những người chưa một lần dám khảng khái trước mặt công an, chưa một lần viết một cái comment bình phẩm người khác mà dám nêu rõ danh tính thật.

Ngây thơ hay chín chắn, hãy cứ bình tĩnh. Mọi sự ồn ào vội vã thường kèm theo với sự hớ hênh.

Có cả những người theo cộng sản bằng tất cả tâm huyết của mình rồi sau này nhận ra không phải như vậy cơ mà. Huống chi tôi chưa bao giờ có câu nào hùa theo Lê Thăng Long. Tôi không muốn mắng oan gã. Nếu gã “lộ nguyên hình” thì khi ấy, tôi mắng gã cũng chưa muộn.

Tôi thích nói theo những gì tôi nghĩ chứ không phụ thuộc vào ai. Nếu có giống 1 số ít nào đó (về quan điểm đối với LTL, tôi tự biết tôi nằm trong số ít) cũng chẳng qua là ngẫu nhiên chứ chẳng ai thuyết phục tôi cả.

Ai phê LTL thì cứ việc. Tôi biết trong số những người phê gã thẳng thừng có nhiều người tôi rất quí trọng. Thế thì đã sao? Nhưng tôi không (hoặc chưa) lên án gã thì xin đừng bắt tôi cứ phải lên án gã cho giống số đông.

Tôi chỉ mong có thế.

2/1/2014

11 thoughts on “Hiện tượng Lê Thăng Long và tư duy phản biện

  1. Thận trọng bao giờ cũng đáng quý, chín chắn trong suy nghĩ, từ mỗi việc làm là nhân cách của người quân tử; không chạy theo số đông, khích động nhất thời, giữ được đầu óc tỉnh táo : tôi phục ông !
    Số đông chưa hẳn là chân lý, cá nhân bé nhỏ có khi làm được việc đại sự thì sao ? Hiểu và thông cảm với ông, nhưng thú thật : tôi còn nông nổi đã lên án hắn !

  2. He, mình cũng nghĩ như bác Thụy nhưng nói thật thì mình không thích kiểu bốc đồng hay tinh tướng của ông Long nếu ổng có thế!

  3. Pingback: Anhbasam Điểm Tin thứ Sáu, 03-01-2014 | doithoaionline

  4. Không phê bình, lên án, không có nghĩa là đồng tình ủng hộ, mà chẳng qua vì chưa biết rõ ràng sự việc. Đó là tư duy của người chín chắn.
    Tôi ủng hộ anh Thụy.

  5. Mọi người,kể cả tôi vẫn chưa hiểu mục đích của LTL nên có chỗ lấn cấn

  6. Ba chục năm trước, tui làm ngược với LTL. Tui ra điều kiện với chính trị viên là: Muốn tui vô đảng thì phải khai trừ 1 số đ/c không xứng đáng! Chỉ vì muốn bảo vệ đảng trong sạch, vững mạnh mà tui phải trả giá: Chức vụ lúc ra quân của tui là Lê Anh Nuôi, hix.

  7. Toi cung thay buon khi nhieu nguoi len an ltl. dieu do the hien su mat doan ket. chua di het quang duong da mau thuan.

  8. Pingback: Tin thứ Sáu, 03-01-2014- ĐỨC: ĐẦU TÀU KHÔNG TOA KÉO | Dahanhkhach's Blog

  9. Ngươi Viêt ta vôn bon chen hep hoi. Trong giai đoan bê tăc nay bât cư ai đưa ra đươc giai phap nao cung nên trân trong. nhiêu mui lao hương ve con moi se dê thanh công hơn. Cư ngôi chưi suông thi cs no chêt sao

  10. bác Thụy ơi, viết về thằng Long này làm gì cho bẩn bút, quanlambao đã nói cả nhà nó là mật vụ rồi mà.

  11. Pingback: NHẬT BÁO BA SÀM : TIN THỨ SÁU 3-1-2014 | Ngoclinhvugia's Blog

Đã đóng bình luận.