SÁNG TẠO BẰNG THIÊN BẨM – TỨC BẢN NĂNG LÀ PHẦN NÔ TÀI CỦA THÂN XÁC

 SÁNG TẠO BẰNG THIÊN BẨM – TỨC BẢN NĂNG LÀ PHẦN NÔ TÀI CỦA THÂN XÁC

Nguyễn Hoàng Đức

Thiên bẩm – là Trời sinh, giống người Việt nói “trời sinh voi sinh cỏ” vậy. Nếu đặt câu hỏi rốt ráo, thiên bẩm thuộc bản năng hay lý trí, thì chắc chắn:

Thiên bẩm là bản năng!

Bởi vì lý trí là thứ học hành, rèn rũa, dùi mài, đào luyện mới có. Một cục sắt từ quặng đem lên là thiên bẩm, nhưng để thành thép thì phải luyện, thành dao thì phải rèn, giống người Việt bảo “có công mài sắt có ngày lên kim”. Không có lý trí miệt mài rũa gọt thì cục sắt không bao giờ trở thành kim. Thi hào Targo có viết câu thơ “chiếc rìu đến rừng cây xin cái cán, và rừng cây đã cho”. Chỉ là một chiếc rìu đơn giản, là sự kết hợp của gỗ và sắt, trong thiên nhiên không có chiếc rìu nào được kết hợp như vậy cả. Điều này đã được cả thế giới, các thi hào và các dân tộc xác nhận.

Người Anh cho rằng: bản năng chỉ là vật cản cho lý trí. Bản năng lớn sẽ chờ để chứng tỏ lý trí lớn, và chỉ có thế con người mới chứng tỏ sự vĩ đại của mình. Người Anh nói: “Thượng Đế làm ra những dòng sông, còn con người bắc những cây cầu”. Chúng ta thử nhìn đi, trên thế giới có vô vàn dòng sông và kênh rạch, nhưng có thấy Thượng Đế thiên bẩm ra một cây cầu nào đâu?!

Triết gia Motesquieu nói rằng: Không có lý trí thì không thể mang bản năng đi xa. Còn nhạc sĩ thiên tài Schumann nói: Thiên bẩm giống như chút sắt rỉ nếu không có sự tinh chế không thể thành dây cót đồng hồ.

Văn thơ Việt Nam có hai bản mẫu chứng minh sự thành công giữa bản năng và lý trí:

1-     Nhà thơ Trần Đăng Khoa thần đồng từ nhỏ, hoàn toàn có thể coi đây là thần đồng lớn bậc nhất thế giới. Nhưng cây thụ hoa sớm lại thường bị chột, Trần Đăng Khoa không thể nào trở thành thi hào hay thi bá được bởi vì chỉ sáng tạo bằng thiên bẩm cộng một chút kiến thức cấp một.

 2-Nguyễn Du là người chỉ đi “chép” Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, truyện hạng hai của Tầu, vậy mà ông lại trở thành thi hào. Tại sao? Vì ông đã “chế tác” bằng lý trí.

Các triết gia Socrate và Platon đều xác định: lý trí là cao thượng, còn cảm xúc là tức thời thấp kém. Còn triết gia Aristote thì bàn ráo riết: Hầu hết những người tốt đẹp thì lý trí phải kiểm soát thể xác. Còn hầu hết những kẻ xấu xa thì thể xác kiểm soát lý trí.

Chúng ta thử nhìn: những kẻ nghiện ngập ma túy có phải họ đã để những thú vui tiêm chích của thể xác dẫn dắt vô điều kiện? Con người đứng đắn là con người có khả năng kiểm soát dục vọng của bản thân, cái đó người ta gọi là “có giáo dục” – tức đã được giáo hóa về dục vọng. Trái lại các loài động vật thì tùy tiện, đói ăn khát uống, lên cơn thì đòi đi tơ. Người Trung Quốc gọi những kẻ tùy tiện thích gì làm nấy là “đám hạ tiện”, cũng có nghĩa là đám cầu tiện lợi ở khu vực thấp, cũng có nghĩa là những người chỉ chú mục dục vọng thấp hèn mà không với lên sự cao thượng của tinh thần.

Người tùy tiện là thích gì làm nấy. Giống cái giường xếp thấy chỗ nào tiện thì trải ra nằm. Nhưng những ngôi nhà lớn như rạp hát, nhà thờ hay tòa thị chính thì không thể tùy tiện xếp vào mở ra như vậy, chỉ cần một chiếc cột xê dịch một tẹo thôi, thì cả tòa nhà đã đổ. Đây là bằng chứng không thể chối cãi rằng: dạng người cảm xúc tùy tiện chỉ là dạng bé mọn. Còn người sống bằng lý trí kiên định trước sau như một là người có tầm vóc lớn. Người Việt cũng miêu tả “lời nói đọi máu”, khuyên người ta chớ có tùy tiện hứa hão trong lời nói kiểu “miệng quan chôn trẻ”. Và:

               Nói lời phải giữ lấy lời

               Đừng như con bướm đậu rồi lại bay

Tại sao những trường ca Iliad, Odyssey, rồi Chí Tôn Ca… vĩ đại, vì chúng bao giờ cũng nhắm đến thánh thần là giá trị lý tưởng cao nhất như những thánh thần trên đỉnh Ô-lanh-pơ chẳng hạn.

Còn sáng tạo bằng cảm xúc là gì? Là tức cảnh sinh tình, đi du lịch thấy nhà to thì làm thơ về nhà to, thấy núi cao thì làm thơ về núi, thấy sông lớn thì làm về sông, gặp em nào xúc động thì làm thơ xúc động, thấy nhớ thì làm về nhớ… Tóm lại cũng ở dạng tùy tiện thấy gì nói nấy. Đấy là dạng thơ sinh hoạt chưa bao giờ vươn đến tầm lý tưởng phổ quát như những vở kịch cần biểu diễn cho nhiều người xem.

Văn hào Albert Camus nói: “Không có sự sắp đặt thì tòa lâu đài chỉ là đống đá”. Đúng vậy, sáng tạo là kiến trúc sư của lý trí. Không thể có bản giao hưởng nếu không từ chủ đề cảm xúc đầu tiên được lý trí phát triển dài rộng ra.

Thơ Việt có phải chỉ là những cảm xúc thiếu lý trí tủn mủn không? (Tại sao tôi không nhắc đến văn xuôi? Vì văn xuôi là những lao động nhọc nhằn, không phải thứ có thể xuất khẩu thành thơ trong chốc lát được, vì thế mà nhà văn nói chung thường có khí tiết hơn, dạn dầy nhân cách và bản lĩnh hơn nhà thơ). Thơ Việt xưa thường bắt đầu từ ứng đáp câu đối hai câu, rồi lên tứ tuyệt, dài hơn là bát cú, có vài trường ca như Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Tống Chân Cúc Hoa… thì đều chép của Tầu.

Các nhà thơ Việt hiện đại thì sao? Cả nghìn nhà thơ viết trường ca mà không có nhân vật và cốt truyện, như vậy chứng tỏ từ cổ chí kim, nhà thơ Việt khó mà có kiến trúc của lý trí nếu không đi chép cái sườn khung cốt truyện của Tầu. Việc vắng bóng lý trí gần như tuyệt đối này đã dẫn đến một sự biện hộ phổ biến rằng: làm thơ phải có thiên bẩm. Nói vậy là muốn ám chỉ bảo hộ cho mình rằng: chỉ có tôi hoặc “chúng tôi” theo nhóm là có thiên bẩm thơ, người khác thì đừng hòng. Đi xa hơn họ còn biện hộ rằng: người nhiều lý trí viết thì khô cứng không hấp dẫn.

Vậy còn cái thiên bẩm bản năng của họ thì sao: “chúng ta không có tác phẩm lớn!” “Chỉ có bé và vừa!” “Chúng ta chỉ là tép riu!”

Còn gì để nói về thứ thiên bẩm này! Như trên chúng ta đã bàn, thiên bẩm chỉ thuộc bản năng thân xác cái là thứ nô tài. Vậy sáng tạo nô tài dẫn đến cái gì? Tức cảnh sinh tình làm thơ bồng bột được chăng hay chớ. Khen chê tùy tiện, bạ đâu khen đó! Thấy có lợi thì khen! Thấy cánh hẩu thì khen! Thấy ai không có con dấu mậu dịch thì chê! Lúc này có lợi thì khen, lúc hết lợi thì chê!

Con người để cảm xúc thân xác dẫn dắt lâu ngày tất sinh ra hèn kém xấu xí xuống cấp cả nhân cách lẫn đạo đức. Việc người ta trao cả giải nhất cho những bài thơ: tôi muốn cứt đầy nhà anh, văng đếch liên tục vào thơ, đặc biệt trao giải cho cả cái tên “Giờ thứ 25” đạo nguyên si một tiểu thuyết lớn của nước ngoài… là bằng chứng xuống cấp lẹt đẹt lè tè của nhân cách nô tài tập thể.

Đây là những lời tôi kết luận sau khi đã chứng minh bằng phép biện chứng vững chắc nhất của nhân loại, chứ không hề muốn nói ngoa cho ai. Tôi nói vậy để làm gì? Liệu có đến hơn 90% nhà thơ ở Việt Nam vì chỉ chuyên chú sáng tạo câu vần bằng cảm xúc trong chốc lát, mới đầu là ham vui, sau là hám danh đã trở nên xuống cấp “xác thịt – nô tài”, đã sống và sáng tạo tiếp tục trong trình độ nhục thể thấp kém, nào vui đùa, nào a dua, nào bè hội, nào yêu ghét hội đồng…? Có không?

Nếu chúng ta làm thơ để cho vui như xin hát một bài, thì chẳng có vấn đề gì cả! Nhưng sau khi “hát” vài bài chúng ta lại đòi mình là nhà thơ, vào hội, rồi toàn quyền phán định người khác biết làm thơ hay không, nghe vừa ú ớ hãm tài, lại vừa ếch ngồi đáy giếng, chẳng biết cao thấp là gì. Liệu chúng ta có nên cùng nhau nhắc lại: hầu hết những kẻ xấu xa thì để cảm xúc bản năng kiểm soát lý trí?

Nếu chúng ta còn ít học, văn hóa tranh tre nứa lá chưa dầy, thì phải cố học hành rèn luyện lý trí, chớ đừng có biện hộ: chỉ có chúng tôi mới có thiên bẩm để sáng tạo?

Đây là một đề tài mạnh mẽ thẳng thắn chỉ ra bản chất của một nền văn thơ bé mọn, mong được mọi người bàn thảo, để cho những ai cao cả thì được tôn vinh, còn những ai chỉ có bản năng hãy lùi bước về nhà học thêm cho tỏ. Xin cám ơn!

 .

NHĐ   06/05/2013

Tác giả gửi cho NTT blog

6 thoughts on “SÁNG TẠO BẰNG THIÊN BẨM – TỨC BẢN NĂNG LÀ PHẦN NÔ TÀI CỦA THÂN XÁC

  1. Pingback: Tin thứ Ba, 7-5-2013 « BA SÀM

  2. Pingback: SÁNG TẠO BẰNG THIÊN BẨM – TỨC BẢN NĂNG LÀ PHẦN NÔ TÀI CỦA THÂN XÁC »

  3. Pingback: Tin thứ Ba, 7-5-2013 – bài viết đáng chú ý | Dahanhkhach's Blog

  4. Pingback: Anhbasam Điểm Tin thứ Ba, 7-5-2013 | doithoaionline

  5. Pingback: NHẬT BÁO BA SÀM : TIN THỨ BA 7-5-2013 | Ngoclinhvugia's Blog

Đã đóng bình luận.