THI CA ViỆT THƯỜNG DỪNG Ở SINH HOẠT

 THI CA ViỆT THƯỜNG DỪNG Ở SINH HOẠT

 Nguyễn Hoàng Đức

 .

Có thể nói người làm thơ ở nước ta lấy đấu đong không hết, theo triết học duy vật thì “lượng đổi chất đổi”, một khi số lượng tập trung ở mức cao thì sẽ dẫn đến sự biến đổi về chất. Có thể ví thế này, những người nông dân sống muôn đời ở làng quê vẫn hiền lành chất phác như vậy, nhưng do một sự kiện có một con đường chạy qua, bỗng nhiên có nhiều nhà trở thành nhà mặt phố, dân cư đông đúc tụ về, mật độ tập trung cao, và tốc độ sống cũng như tư duy của dân làng đã đột biến, sau vài năm họ đã đi đứng ăn nói như người phố thị, ám nhiễm cả sự khôn ngoan cả thói hư tật xấu của người đầu đường xó chợ.

Nhưng theo lý thuyết chủng- loại- loài thì không phải như vậy, một triệu con kiến có tập trung lại với nhau cũng chẳng thể nào biến thành dù một chiếc ngà của con voi. Như người Việt hát: “Bao giờ rau diếp làm đình/ Gỗ lim thái ghém thì mình lấy ta”. Rau diếp yếu mềm thì làm sao thành gỗ lim để đỡ mái đình cho được.

Nền thơ của chúng ta, thực ra gọi đầy đủ là nền văn – thơ, nhưng vì số lượng nhà văn của chúng ta ít quá, nên nó chẳng bõ để chúng ta bàn. Thử tìm đến một khu phố, một làng xã, hay một tổ hưu trí, thậm chí là tập hợp các vị giám đốc, thì rõ ràng thấy, đa số làm thơ, bói cũng không thể ra một vị viết văn xuôi. Viết văn xuôi là gì mà khó và hiếm vậy? Chính nhiều nhà thơ Việt đã nói “viết văn xuôi là bám bàn”, tức là người ta phải miệt mài cạo giấy trên bàn viết nhiều giờ mỗi ngày, nhiều ngày mỗi năm, mới có thể hoàn thành một tác phẩm. Còn thơ thì sao? Người ta đã đếm được, rất nhiều người ngủ gà ngủ gật trên xe cũng làm thơ, chỉnh sửa mấy câu trong óc, rồi về nhà ghi lại, thế là có được một “tuyệt tác rồi”; lại có cả những người vừa hóng mát vừa gãi chân sột soạt một hồi lại bật ra một bài tứ tuyệt bốn câu; có người vừa uống rượu với bạn bè vừa lẩm nhẩm gieo vần… Tại sao có tình trạng này? Một nhà báo có nhiều năm gần gũi với các nhà thơ đã nói: vì thơ làm dễ quá, đọc dễ quá, lên nhanh như diều, nên có rất nhiều các nhà thơ ảo tưởng rằng mình vĩ đại. Ở đời, người ta thường “dễ làm khó bỏ”, ngại khó ngại khổ, thích lười biếng ham vui hơn là đổ mồ hôi cực nhọc, cộng với tâm lý của người Việt, tính tình dễ dãi nông nổi, thích ăn muối xổi hay chụp giật lâm thời, nên người ta muốn đầu tư vào mấy vần thơ. Đầu vào chưa kịp ấn nút đã thấy đầu ra. Mới tuần trước vừa uống rượu nghê nga mấy vần, hôm nay đã thấy mọc tăm sủi mũi trên báo trung ương đàng hoàng, sân rồng văn hóa triều đình chứ có nhỏ hay đùa đâu?! Không chỉ có thơ bẻ chữ vần vèo được lên mặt báo, mà chính các nhà thơ thích gác chân lên cửa hóng mát cũng thích làm ở báo, như phương ngôn “của làm sao người chiêm bao làm vậy”. Thử đặt một câu hỏi: nếu xếp vị trí cho một nhà thơ, thì anh ta thích nhất làm ở đâu? Trả lời: ở báo. Thời vụ của báo là vài ngày. Còn thời vụ của sách là cả năm. Thật khác nhau một trời một vực! Được làm ở báo là tốt nhất, bất đắc dĩ mới phải về nhà xuất bản. Mới đây có một bằng chứng rất rõ về việc này, ông tổng biên tập báo văn kia, đã đến tuổi về hưu, nhưng ông lưỡng lự không muốn bỏ mất những thời vụ chỉ diễn ra trong có vài ngày, trời ơi có vụ mùa nào ở đời nhanh đến vậy, danh lợi không như cây trồng lê thê cả tháng mới nảy đòng, đằng này báo của ông chỉ trong có vài ngày đã súm xít những thợ gặt đến hái vinh quang và những thợ cấy đến để gieo hạt, danh lợi thật là tấp nập, sao mà dễ bỏ, vì vậy ông hứa về 25 lần mà không dứt bước đi nổi, mới đây ông lại hứa đi với điều kiện phải chuyển ông sang làm tổng biên tập tờ báo khác.

Thơ Việt rất đông, rất nhiều, rất xúm xít, không phải như lấy đấu đong mà như xã viên ào từ xe buýt đổ xuống hội trường và đua nhau đọc thơ. Lượng nhiều như vậy sao mãi không thấy ngóc lên để tạo ra đỉnh cao về chất? Đó là vì các nhà thơ quần chúng đã tiêu tán tài năng thơ ca của mình ngay từ trứng nước. Bởi lẽ làm báo là cách tiêu diệt não trạng bay bổng của thi ca. Thơ ca ưa tưởng tượng, nếu đôi chân con người không hóa cánh để bay khỏi những vụ lợi thì chắc chắn không bao giờ có thơ và nhạc, cũng như nghệ thuật. Thơ là duy ảo, duy mộng. Trong khi đó, báo là vụ thực. Làm báo nghĩa là phải bám sát đời sống và hiện thực. Báo chí không thể có nếu không đi sâu đi sát vào hiện thực. Ở đời, vụ thực cũng chính là vụ lợi. Báo chí là gì? Loài người đã tôn vinh: đó là quyền lực thứ tư, chỉ đứng sau tam quyền phân lập của nhà nước. Vậy thì anh mới làm được ít bài thơ vần vèo làm cách nào để anh lọt vào cửa vàng của báo chí vụ mùa nhanh đến mức chỉ là sự trở mình của máy in? Muốn đứng vào đó ư, anh phải lăn lê hết cỡ để có được hiện thực bụi trần của thế tục. Trời ơi lúc đó thì nàng thơ làm sao còn có cơ hội cất cánh. Đó chính là cách lý giải tại sao tài thơ ít ỏi của mấy nhà thơ cứ teo tóp dần. Con chim bay trên trời thì bay cao! Con cá bơi dưới nước thì lặn sâu! Anh vừa là chim vừa là cá, thì anh chỉ lặn sâu vài chục phân như con bói cá, và nhảy lên vài chục xăng ti mét như con cá nhảy… Đó cũng là cách lý giải thơ sau bao nhiêu cuộc tụ họp về số lượng đông xúm xít vẫn chỉ bay cao lè tè và sâu sắc ngay dưới làn da mặt nước. Đấy là nói về nghề. Giờ xin bàn thẳng vào nội dung và tài cán của thơ.

Văn thơ Việt Nam chủ yếu là sinh hoạt, loay hoay sinh hoạt, quanh quẩn sinh hoạt, và quẫy đạp bay lên vẫn cứ không ra khỏi từ trường sinh hoạt. Sinh hoạt là gì? Đa số các nhà văn, nhà thơ Việt hầu như chưa có ý thức đặt mình vào giữa câu hỏi này, bởi vì họ sáng tác bản năng, bạ đâu làm đấy, đâu có ý thức gì về cứu cánh, sự nghiệp, hay mỹ học.

–         Tư tưởng: Ở đời, cao nhất là tư tưởng, nó nằm trên não, nó vừa là hệ lập trình vừa là ban tham mưu điều khiển cả hành động của con người.

–         Hành động: Từ tư tưởng dẫn đến hành động. Khi óc tư duy nó liền điện tín cho thân xác, nhưng chủ yếu là đôi tay, vì đôi tay chính yếu sẽ thực hiện hành động. Người Di-gan xem tay để luận giải cuộc đời, bởi vì họ nghĩ xem hành động của người ta sẽ hiểu cuộc đời người ta. Lúc đó đôi chân chỉ là biểu hiện di chuyển tất yếu. Chân thấp hơn tay. Chân không bao giờ có biểu tượng mỹ học cao như tay. Người Việt nói “giầu hai con mắt, khó đôi bàn tay”, có nghĩa là: mắt là đại biểu tầm nhìn của não – tức tư tưởng. Còn tay là biểu hiện của hành động. Qua đó để thấy, cái hội văn học trao giải cho đại ca làm thơ cả đời vẫn ở mức tầm nhìn ở dưới chân đất, nó lè tè hết cỡ đến mức nào. Thật đúng như dân mạt hạng Việt Nam thường nói: bố ngồi bệt xuống đất đây, bố sợ gì, thử xem thằng nào làm gì được bố, thử xem thằng nào không trao giải cho bố. Chỉ cần vài mật khẩu đó, ban giám khảo liền biến thành giám khảo chân đất. Thôi thì võ vẽ một tí học hành, kiến thức, thi ca, rồi mỹ học liền đổ xuống đất để phơi.

–         Sinh hoạt: là thấp nhất bởi nó nằm ngoài cả tư tưởng lẫn hành động. Sinh hoạt hiểu đơn giản như mấy cô thư ký nói chuyện với nhau “việc vãn rồi chị em mình buôn chuyện một tí cho vui đi!” Thế là các chuyện con cà con kê, dây cà ra dây muống, nào đi chợ, nào trào nước sôi, nào làm nũng chồng, nào tức đứa con nổ như ngô rang. Sinh hoạt là thấp nhất trong hành động của con người, nhưng với người tầm thường thì nó lại cao nhất. Tại sao? Bởi vì nó là đại diện cho sự hưởng thụ dục vọng, nào ăn nhậu bê tha, nào chè tam tửu tứ bù khú, nào tay ải tay ai với nàng, nào đùa nghịch với con… Nhưng  dục vọng dù có nhiều và cao bao nhiêu cũng chỉ là bản năng, vì chúng ta có bao nhiêu sắc dục vẫn thua một con dê cụ mỗi ngày điểm tâm cả đàn dê cái và gieo giống mỗi khi về chuồng. Đó cũng chính là cách lý giải tại sao văn học Việt Nam không lớn được bởi người ta chỉ loay hoay sinh hoạt sắc dục của bản năng sống mà không có tư tưởng và hành động để nhắm về lý tưởng.

Đó cũng là cách lý giải tại sao rất ít và rất hiếm các nhà văn Việt có ý thức về sự nghiệp, lại càng ít ý thức về sứ mệnh cầm bút của mình, nhà văn lao động chữ nghĩa đã thế, nhà thơ – những người nghê nga vui vầy nhí nhảnh ẵm nựng ngôn từ lại càng hiếm hoi. Xét từ đầu và từ trên xuống thì thấy: tri thức chưa đủ làm sao có tư tưởng để nhìn xa, khát vọng chưa nhiều chủ yếu mới là cuộc đầu tư của vài bài thơ vào sân rồng báo, lao động chưa đủ vì mới bẻ chữ vặn từ mấy đoạn vần vèo nên còn chưa hình thành sự lành mạnh của đức hạnh lao động, nhưng ở đời người ta vẫn mắc thói “làm ít muốn hưởng nhiều”, nên mới có vài mẩu văn vần đã chạy xuôi chạy ngược kiếm ghế và kiếm giải… hỏi làm sao mà thơ cao hơn cho được. Lượng không thể thành chất vì những hòn sỏi nhỏ xếp lên nhau, chúng lại cục bộ, bè nhóm, ích kỷ tự lăn ra khỏi nhau thì bao giờ mới thành đỉnh núi? Những lời nói này liệu có thiếu thẳng thắn? Và phải chăng không phải là sự thật?! Thuốc đắng dã tật, văn học Việt muốn vươn cao mong rằng các vị đừng ngại nghe nói thật! Xin cám ơn!

 .

NHĐ 11/03/2013

7 thoughts on “THI CA ViỆT THƯỜNG DỪNG Ở SINH HOẠT

  1. Pingback: THI CA ViỆT THƯỜNG DỪNG Ở SINH HOẠT »

  2. Câu ca dao bị sai một từ: GHÉM = ghép ?
    Bao giờ rau diếp làm đình/ Gỗ lim thái ghép thì mình lấy ta.

    Rau diếp thái chỉ, ăn sống, còn gọi là rau GHÉM (thái ghém). NTThuy nhắn NHĐ kiếm tra lại xem nhé.

  3. Pingback: THI CA ViỆT THƯỜNG DỪNG Ở SINH HOẠT – nguyentuongthuy | Vô Ngã

Đã đóng bình luận.