Trung Quốc – tên lâm tặc số một thế giới

Trung Quốc – tên lâm tặc số một thế giới

Huỳnh Văn Úc

 .

Cơ quan điều tra môi trường- Environmental Investigation Agency, viết tắt EIA là một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Vương Quốc Anh ngày 29/11/2012 đã công bố một báo cáo cho biết: “ Có đến 80% đến 90% lượng gỗ chặt từ rừng Mozambic được chế biến ở Trung Quốc. Trung Quốc là nước xuất nhập khẩu và tiêu thụ gỗ lớn nhất thế giới và vì vậy cũng là quốc gia chịu trách nhiệm chính về tình trạng chặt phá rừng nhiệt đới hiện nay. Sự sống còn của các khu rừng nhiệt đới-lá phổi của hành tinh-giờ đây phụ thuộc vào Trung Quốc”. Thống kê của EIA cũng cho biết một nửa lượng gỗ cung cấp cho Trung Quốc có nguồn gốc từ những nước vốn nổi tiếng về nạn phá rừng như Miến Điện, Papua Ghinê hay Mozambique. Các công ty Trung Quốc còn khai thác gỗ ở nhiều nước châu Phi như Madagascar, Sierra Leon, Tanzania, Gabon, Ghinê, Công gô. Gỗ từ các nước đó mang về Trung Quốc là những loại gỗ quý hiếm đắt tiền. Nhờ vậy mà năm 2011 Trung Quốc chiếm 30% thị trường sản phẩm gỗ trên thế giới.


Cơn sốt gỗ quý của Trung Quốc được các nhà hoạt động môi trường mô tả là một sự điên rồ. Nó là một sự dị hợm khó giải thích chẳng khác cơn sốt sừng tê giác và ngà voi. Lợi nhuận đã làm tối mắt những kẻ phá rừng: gỗ hồng có giá 720 USD/kg và giá một bộ ghế sofa làm từ gỗ hồng có thể đến 320.000 USD. Đồ gỗ làm từ gỗ quý được chế tác tinh xảo có thể đạt tới giá hàng triệu USD. Cơn sốt gỗ quý của Trung Quốc còn làm bùng nổ những cuộc xung đột đẫm máu của những băng đảng vũ trang để tranh giành nhau các khu vực khai thác gỗ hồng ở các nước lưu vực sông Mekong hay những cuộc đụng độ giữa bọn phá rừng và lực lượng của chính phủ. Lợi nhuận còn tạo ra sự bắt tay giữa quan chức và các băng đảng qua các khoản tiền hối lộ. Tờ báo Phnom Penh Post đưa tin một quan chức chính quyền của Campuchia-ông Chut Wutty đã bị bắn chết khi điều tra hoạt động khai thác gỗ trái phép của Công ty Timbergreen.

Những đại gia lắm tiền nhiều của khi ngồi trên bộ ghế sofa bằng gỗ hồng có giá 320.000 USD xuất khẩu từ Trung Quốc liệu có biết rằng rất nhiều máu đã đổ trước khi bộ ghế đến được phòng khách của nhà minh?

Gỗ quý bị khai thác trộm khi chưa đủ tuổi ở tỉnh Koh Kong, Campuchia – Ảnh: Phnom Penh Post

 .

Tác giả gửi cho NTT blog