GIAN MANH NHÀ THƠ MẬU DỊCH ?

 GIAN MANH NHÀ THƠ MẬU DỊCH ?

  Nguyễn Hoàng Đức

.

Tôi được mời ra quán bia. Từ xa đã nhìn thấy tiến sĩ triết học Trần Vịnh, và nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu cũng có bằng tiến sĩ triết học, hai người này vốn học cùng trường Đại học Tổng Hợp với nhau. Vừa chạm cốc, tôi liền hỏi:

–         Vệt bài tôi “đánh mậu dịch” thế nào? Nguyễn Linh Khiếu bèn cười cợt hào hứng:

–         Chẳng sao cả! Tôi vẫn nói với mọi người rằng “Nguyễn Hoàng Đức chỉ coi tôi là một nhà thơ mậu dịch thôi, dù ai có muốn cãi hộ tôi, tôi vẫn thẳng thắn xác định, tôi chỉ là một nhà thơ mậu dịch. Mậu dịch trăm phần trăm. Nói thế thôi, cũng có nhiều người ức, họ muốn bảo tôi, nghe thế mà chịu được à?!”

Câu chuyện qua lại một hồi, Nguyễn Linh Khiếu nói về nhà thơ B có vẻ tốt hơn nhà thơ A. Tôi liền bảo:

–         Anh B, cũng là nhà thơ mậu dịch, cũng phấn đấu quan chức không thể là người thuần túy hồn nhiên, nói chung leo lên đến đó anh ta cũng phải gian manh. Nguyễn Linh Khiếu liền bảo:

–         Đúng vậy, tôi là nhà thơ mậu dịch, tôi cũng gian manh. Gian manh là thói quen của nhà thơ mậu dịch.

–         Không đúng! – Tiến sĩ Trần Vịnh bỗng kêu to. – Gian manh là bản chất của nhà thơ mậu dịch.

Nguyễn Linh Khiếu nhà thơ mậu dịch hạng một, với nhiều bài thơ, tập thơ đã luôn ở tốp đầu, một trường ca “Phồn Sinh” dài cỡ dăm trăm trang A4 đánh máy, tôi đã từng đọc kỹ và viết bài phân tích, đánh giá rằng: đây là tập trường ca dài bậc nhất Việt Nam ( chính xác, tôi chưa đọc tập nào dài như vậy. Không những thế, đó còn là tập có nhãn quan trực tiếp bậc nhất về đời sống chính trị, xã hội) đành mỉm cười gật gù như thể không còn cách xác nhận nào khác:

–         Bản chất của nhà thơ mậu dịch là gian manh!

Câu chuyện tưởng cũng chỉ là trà dư tửu hậu cho qua, nhưng mọi người bảo, ông Đức nên viết bài về việc này. Đây vừa là chính kiến không nhỏ vừa là vấn đề có liên quan đến tư cách của nghệ sĩ, vì thế, tôi viết thêm dòng này như thể một việc chịu trách nhiệm trong cuộc cũng như làm chứng của mình. Câu chuyện đến đây là hết, nhân đây tôi xin bàn vê: tại sao nhà thơ mậu dịch lại mang bản chất gian manh?

Mậu dịch quốc doanh, chúng ta có thể hiểu là cơ chế phân phối do nhà nước quản lý. Rau trong vườn, lúa trên ruộng, cá dưới ao hồ, tôm cua dưới biển, thịt lợn trong chuồng, thịt bò ngoài bãi không thể đi thẳng đến chợ mà phải đi qua cửa hàng thực phẩm của nhà nước, từ đó phân phối lại cho dân chúng theo thứ bậc tiêu chuẩn từ cao xuống thấp, từ tướng xuống tá rồi đến cấp úy… Cơ chế phân phối này sinh rất nhiều tiêu cực, kẻ ăn không hết người lần chẳng ra. Thử ví dụ một hình ảnh phổ biến, muốn ăn một que kem thôi, người ta đã phải chen nhau bẹp ruột, uống một vại bia thì luôn kèm theo hình ảnh của hàng rào sắt bó sát dãy người đang xếp hàng để chống lại những kẻ chen ngang… một người bán hàng có thể bảo con cháu, trước khi đi học các cháu cứ tới cửa hàng của cô mà ăn, khi đó bát của các cháu thì toàn thịt, còn bát của khách thì không người lái. Một cô bán hàng đã từng tâm sự với tôi lúc ngồi trên máy bay, “hồi em bán ở cửa hàng mậu dịch, tích được nhiều vàng lắm, cứ vài ngày em đã mua một chỉ vàng rồi, trong khi đó một căn hộ lắp ghép ở Trung Tự chỉ có giá một cây vàng”. Nếu để mua căn hộ, có lẽ chưa đầy một tháng cô ta mua được một căn?

Đó là rất ít người may mắn ở trong hệ mậu dịch như chuột sa chĩnh gạo. còn các nhà thơ ở trong hệ mậu dịch thì sao, có được sa chĩnh danh lợi không? Mấy năm gần đây rộ lên cảnh không ít người xô đẩy nhau vào Hội Nhà Văn, nhiều người đã đặt câu hỏi “vào HNV có gì đâu, có lợi ích gì sao người ta xếp hàng rồi xô nhau chen lấn vào nhiều thế?”

Thì có một nhà văn trong hệ thống đành trả lời thẳng thắn: Trước hết đã là hội viên HNV, thì nghiễm nhiên ở tỉnh được các báo chí và tạp chí đăng bài ưu tiên hàng đầu, nếu không in sẽ bị dị nghị liền “anh ta, chị ta là hội viên trung ương chẳng lẽ lại không xứng đăng một bài ở báo địa phương? Sau đó trở thành đối tượng chính sách, cũng như danh dự hàng đầu của tỉnh nhà trước đãi ngộ của lãnh đạo tỉnh, có người còn được phân nhà. Trong tỉnh có đến vài chục lãnh đạo cao cấp nhưng chỉ có vài nhà thơ cấp trung ương, chẳng lẽ lại bị bỏ rơi sao? Rồi còn cái oai trước bàn dân thiên hạ thì không có đấu nào đong hết, dân tình có hiểu văn thơ là gì đâu, cứ nghe nói ông ấy có bài thơ in ở báo trung ương thì mắt lác là cái chắc!

Nhưng tài năng thật của các nhà thơ mậu dịch thế nào? Ở đời khi được quá nhiều ưu tiên thì hiển nhiên bản lĩnh con người sẽ thui chột và kém cỏi, bởi lẽ như nhạc sĩ thiên tài Schumann nói “ăn nhiều bánh ngọt và kẹo một đứa trẻ sẽ không thể lớn lên thành người khỏe mạnh”, hay như người Trung quốc nói “tiền làm cho kẻ khôn kém chí và người ngu thêm nhiều tội lỗi”. Các loại tem phiếu đường sữa ưu tiên cũng vậy, chúng phá hủy cả người khôn lẫn kẻ dại.

Còn trong hiện thực, tại sao cá nhà thơ của hệ mậu dịch yếu kém sa sút còi dinh dưỡng sáng tạo đến vậy? Bởi vì họ phấn đấu làm quản lý nhiều hơn là làm thơ. Tất cả các ăng ten tinh thần của họ đều giương lên để leo dốc cầu thang thăng quan tiến chức, lo ẵm ghế, lo ẵm giải thưởng, lo lấy lòng phe cánh… Các nhà triết học nói rằng: một chiếc lò so khỏe bởi vì nó luôn nằm trong trạng thái nghỉ, đến khi cần nó mới kéo căng vật đòi văng ra khỏi nó. Còn các nhà binh pháp Tầu thì ví, muốn ra một quả đấm thì người ta cần biết co tay lại. Còn trong cuộc sống, ai muốn nhảy thì phải nhún chùng chân xuống.

Hệ thống mậu dịch chỉ có ích khi hàng hóa ít ỏi còn trong thời kinh tế thị trường hàng hóa ê hề này mà vẫn áp dụng thì thật phi lý! Nhưng những con người vì sức vóc quá nhỏ, họ vẫn muốn ưu tiên, vẫn muốn xếp hàng để yên tâm rằng mình đang ở hàng đầu trong hàng rào sắt “mua bia”. Đứa nào định chen lên biết liền để còn đánh chặn.

Chỉ khi phân phối qua cửa hẹp mới có cảnh chen ngang, rồi móc ngoặc, rồi bè phái, rồi ưu tiên cánh hẩu, rồi đội cả vương miện tem phiếu bao cấp cho nhau. Các triết gia Hy Lạp nói: không có ai cùng lúc làm tốt hai việc. Người Việt cũng bảo “xay lúa thì khỏi ẵm em”. Làm thơ và làm quản lý là hai việc khác hẳn nhau (không giống môn điền kinh có thể bổ túc cho bóng đá). Vậy khi người ta cố lách qua cửa hẹp thành hội viên trong hệ thống xếp hàng quản lý, thì khó có thể có được sự tươi tắn tinh khôi cho sáng tạo. Sáng tạo là công việc đặc biệt rất cần những cú nhảy, bứt tốc, rồi thăng hoa, nó đòi hỏi tinh thần và thể xác phải ở trạng thái chùng “tuyệt đối” để còn thực hiện cú nhảy xuất thần.

Chắc chắn, không có xuất thần không có con người vĩ đại! Không có xuất thần cũng không có sáng tạo! Xuất thần là gì? Là cú nhảy đi ra khỏi mình! Nhưng than ôi, các nhà thơ, nhà văn của chúng ta dường như trông lúc nào cũng phờ phạc, bé bỏng, sợ sệt, tinh thần mỏi mệt khánh kiệt hết cỡ vì lúc nào cũng căng lên theo dõi tứ bề, lại luôn chú mục vào cơm áo gạo tiền là thứ đầu vào cho bản thân, thì làm sao có nổi cú nhảy “xuất ra”?

Vì lúc nào cũng căng thẳng, rã rượi, phờ phạc không có cú nhảy xuất thần nào ra hồn để văng vào quĩ đạo “vong thân” của sáng tạo nên người ta đành lê la xếp hàng nấp vào hệ thống tem phiếu có nhà nước bảo hộ. Trời ơi, họ có khác gì một người lính nấp kỹ dưới hầm sâu cần xung phong thì không xung phong được. Cần cởi áo ủ rũ bao cấp để nhảy nhót tung tăng trong kinh tế thị trường thì không dám thay đổi vì sợ mất ưu tiên. Và một con trai nếu không dám mở miệng để thổi nước ra sẽ không bao giờ làm thành ngọc trai cả! Tất nhiên “con trai” uống nhiều đường sữa bao cấp chỉ có thể nhả ra mấy mẩu tem phiếu thơ bé như bao diêm mà thôi.

Đó có phải là cách mà người ta thấy: nhà thơ mâu dịch có bản chất gian manh không?

 .

NHĐ 29/04/2013

Tác giả gửi cho NTT blog

8 thoughts on “GIAN MANH NHÀ THƠ MẬU DỊCH ?

  1. Thi sĩ đúng nghĩa xưa nay mấy ai giàu có. Thi sĩ mà giàu có mà chức tước đầy mình mà còn làm thơ hay nữa có mà vĩ nhân. Mậu dịch là do thời bao cấp đẻ ra, do các nhà chính trị đẻ ra chứ đâu phải lỗi nhà thơ. Nó là hệ quả của chính trị. Sai lầm của chính trị. Nhà thơ thì hãy làm nhà thơ. Nhà thơ mà gian manh thủ đoạn tranh giành địa vị chức tước đương nhiên là mất đi sự hồn nhiên, đương nhiên thơ sẽ bớt hay. Tóm lại bài viết của Nguyễn Hoàng Đức cũng có nhiều điều suy ngẫm lắm. Tốt nhất nhà thơ hãy sống chân thật, càng chân thật càng dễ có thơ hay. Càng leo cao thơ càng nhạt.

  2. Pingback: Tin thứ Ba, 30-4-2013 « BA SÀM

  3. Tôi đồng ý bài viết trên, tôi có một thời là Hội viên cấp tỉnh cho nên tôi cũng biết tương đối và chứng kiến những điều bác Đức viết, lúc đương thời tôi thường xấu hổ khi nghe người khác ca ngợi nhà văn, nhà thơ và luôn dấu mọi người, trong khi đa số họ rất tự hào, cao hơn là lợi dụng để vụ lợi một cái gì đó ví dụ như mua gạo thì được giảm độn… nói chung ti tiện và ich kỷ lắm, bây giờ nói ra tôi vẫn thấy xấu hổ…
    Tôi đã đưa lên mạng mấy câu vè :
    Ghét nhau chung chiếu không ngồi,
    Chung chăn không đắp, chung nồi không ăn.
    Chỉ trừ có hội nhà văn,
    Ghét nhau như chó vẫn lăn xả vào.
    Trước đây tôi chưa đủ nhận thức để lý giải, Nay nhờ bác Đức chứng tỏ tôi không cảm tình với Nv, Nt là có lý do của nó.(tôi không vơ đũa cả nắm)

  4. Pingback: doithoaionline

  5. Pingback: NHẬT BÁO BA SÀM : TIN THỨ BA 30-4-2013 | Ngoclinhvugia's Blog

  6. Pingback: Tin thứ Ba, 30-4-2013 | Dahanhkhach's Blog

  7. Sau khi đọc bài “Văn học mậu dịch cạn vốn hay phá sản” và bài “Gian manh nhà thơ mậu dịch” của tác giả Nguyễn Hoàng Đức, xin gửi vài nhời đến Nguyễn Linh Khiếu.
    Gửi chú “Mậu dịch” Nguyễn Linh Khiếu. Còn nhớ giữa mùa Đông 1987. Anh đã đọc mấy câu cho Khiếu nghe, vì thời điểm đó Khiếu chưa trở thành thứ “mậu dịch”. Thơ rằng :
    “Sau cơn mưa chúng nó lại mọc lên
    Nấm!
    Rừng đại ngàn những cây gỗ mục
    nằm xuống rồi vẫn chưa thành đất
    Còn dồn chút màu tàn cho chúng nó sinh sôi…”

    Bài thơ chỉ có mấy câu như vậy. Tất nhiên lúc đó Khiếu biết đám bồi bút ở VN sau một thời gian rất ngắn bị cụp đuôi, do văn nghệ được “cởi trói” chút ít đã bị trói trở lại. Vì thế một bạn thơ của tôi đã nói(hơi tục) là ” đám bồi bút chúng nó lại tiếp tục cái “thiên chức” bú cặc chính trị”. Khiếu cũng đọc mấy câu thơ mà tôi cho là rất hay và đầy nhân bản :
    “Tưởng rằng nắng đã hừng lên
    Nào ngờ mưa lại triền miên mất rồi
    Lại tan đi những nụ cười
    Lại nhòe đi những mặt người ngẩng lên”

    Khiếu ơi! Chú mày thành nhà triết học Mac lê kia đấy và còn tự nguyện đứng vào hàng ngũ của đám trí nô, văn nô bồi bút nữa, thì anh thấy sự nghiệp “ngẩng lên” của chú mày hắc ám và đen tối lắm.

    • Em rất cảm ơn bác. Lâu rồi xa xôi quá. Bác nhắc, em nhớ lại câu chuyện xưa. Nhưng thành thật vẫn chưa nhớ ra bác. Anh còn yêu thằng em này như thế thì đừng sợ nó hỏng. Một cuộc đời để “hắc ám và đen tối” không dễ đâu anh ạ.
      Rất mong được thường xuyên trao đổi, thỉnh giáo từ bác. Qua đó bác sẽ thấy làm “văn nô” cũng không phải ai cũng làm được đâu. Em Khiếu

Đã đóng bình luận.