VẠCH LÁ TÌM SÂU ĐỈNH CAO NHẤT CỦA TRÍ TUỆ KHUYỂN NHO

 VẠCH LÁ TÌM SÂU ĐỈNH CAO NHẤT CỦA TRÍ TUỆ KHUYỂN NHO

                                                                            Nguyễn Hoàng Đức

 .

Người thầy dạy tôi nói tiếng Pháp, biết 13 ngoại ngữ, ngài là ứng cử viên tiềm năng cao bậc nhất cho chức Giáo Hoàng để thay thế Giáo Hoàng Jean Paul II, Hồng y Phanxico Xavier Nguyễn Văn Thuận đã nhiều lần nói với tôi: “Ngữ pháp là gì? Là nói theo cách của những nhà quí tộc”. Tất nhiên đây là một định nghĩa bất thành văn về ngữ pháp, nhưng qua cách nói của ngài, tôi hiểu đó là một phương ngôn rất thông dụng ở châu Âu. Câu này người ta không đưa vào sách kinh điển có lẽ vì sợ đụng chạm đến kỳ thị giai cấp. Nhưng trong thực tế thì quả là vậy, người ta học ngữ pháp là nói theo tiếng nói của giới tinh hoa có học, lịch lãm nho nhã, quí phái, chứ ai lại nói theo đám đầu đường xó chợ. Hồng y Nguyễn Văn Thuận còn mủm mỉm nói với tôi: “Khi chúng ta nói ‘tôi đi tầu hỏa’ hay ‘tôi đi máy bay’ là sai. Lẽ ra phải nói ‘tôi đi bằng tầu hỏa’. Nhưng tất cả người Việt chúng ta vẫn nói ‘tôi đi tầu hỏa’ ”.

Thầy giáo dạy tôi tiếng Anh cũng nói: học ngữ pháp nhiều khi là nói theo người Anh. Tại sao ư? Đơn giản vì người Anh nói vậy, chính họ cũng không lý giải được và họ thường xuyên nói “Don’t ask me why, ask me how” (Đừng hỏi tôi tại sao, mà hãy hỏi tôi làm thế nào!)

Một thầy dạy tiếng Pháp nói với tôi: “Người Pháp có câu ‘C’ est correct mais pas Francaise. C’est Francaise mais pas correct’. Nghĩa là ‘Cái đó đúng nhưng không Pháp. Và cái đó Pháp nhưng không đúng’”. Tiếng Pháp, tiếng Anh hay các tiếng khác cũng giống tiếng Việt ở chỗ, nhiều cách nói thường xuyên quen miệng không đúng ngữ pháp nhưng rất thông dụng như kiểu “tôi đi ô tô” của người Việt.

Một thầy người Pháp khác nói: “ một ngài Bộ trưởng văn hóa Pháp lên nói chuyện, trong phút đầu tiên người ta đếm được 23 lỗi sai”.

Ở đời, chúng ta mở miệng nói là sai! Cầm bút viết là sai! Chẳng hạn nếu ta viết “mặt trời lên”, đó là câu văn sai, bởi lẽ khoa học hiện đại cho chúng ta biết, mặt trời đứng tại vị ở trung tâm hệ mặt trời, vì thế không có chuyện nó lên hay nó xuống.

Khi chúng ta viết “Bàn tay của tôi”, câu này chắc chắn sai! Tại sao? Theo triết học chữ “của” nghĩa là sở hữu. Sở hữu được định nghĩa là: chỉ là sở hữu cái gì ở ngoài ta, cái ta có thể cho mượn được, như cái bút, hay chiếc xe đạp, cái nhà hay mảnh ruộng. Nếu ta nói “bàn tay của tôi” rồi “khối óc của tôi”, thậm chí “tâm linh của tôi”… vậy thì có cái gì là chính thân ta để sở hữu cái bên ngoài mình? Nhưng tại sao chúng ta biết sai nhưng vẫn nói “khối óc của tôi”? Bởi vì chúng ta nói bao hàm nhiều nghĩa cả đen lẫn bóng, cả truyền thống lẫn thói quen, và bằng tất cả những gì tổng hợp của lịch sử.

Người Việt vẫn bảo “Ý tại ngôn ngoại”, nghĩa là cái ý mới là nội dung cần thiết ở bên trong, còn ngôn ngữ chỉ là cái vỏ bên ngoài thôi. Đọc sách thì người ta phải hiểu cái ý, chứ còn soi mói cái vỏ bề ngoài chỉ là cách đọc của đám hủ nho. Ở đời, có làm có sai, có trèo có ngã. Khi vua chúa hỏi các cận thần nho học khi quốc gia gặp đại sự, đám này thường lủi, hay im bặt, hoặc lươn lẹo mấy từ chẳng ra ngô chẳng ra khoai. Vậy mà khi có bất kỳ ai nói ra ý nào, đám này liền nhao nhao chọc ngoáy. Sau nhiều lần như vậy, vua liền bảo “khi ta hỏi thì các ngươi không nói, khi có người nói thì các ngươi lại nhao nhao chôm chỉa chọc ngoáy châm trích người ta. Sao các ngươi không chịu nói ngay từ đầu đi?!” Thậm chí có lần vua bảo “Ta nuôi ngươi mấy chục năm trời, giờ gặp đại sự mà không cậy nổi một lời trên miệng ngươi!” Tại sao một lời mà khó khăn đến vậy? Vì lời đó khiến kẻ hủ nho thấy mình có thể phải đứng về bên nào đó, vua hay kẻ khác, dễ bị lâm nguy tính mạng.

Văn hào Lỗ Tấn cho rằng: kẻ không làm gì thì chẳng bao giờ sai, và người Trung Quốc gọi đó là kẻ vô tích sự.

Muốn làm ra bất cứ sản phẩm hiện đại nào như ô tô, máy bay, hay vô tuyến… trước hết công thuộc về kỹ sư sáng chế, sau mới đến kỹ sư chế tạo, rồi mới đến thợ kiểm tra lỗi. Các sản phẩm đầu tiên dù xấu nhưng luôn được lưu giữ cùng tên tuổi của người phát minh ra nó. Trái lại không có tên thợ kiểm tra nào được ghi danh trong bảng phát minh. Giống một lâu đài, người ta lưu giữ tên người đã kiến trúc và xây nó, chứ ai ghi danh mấy người quét dọn.

Lịch sử Trung Quốc rồi Á Đông lạc hậu cả nghìn năm, lý do chính bởi đông nhung nhúc những kẻ hủ nho suốt ngày vạch lá tìm sâu bẻ chữ nhưng chẳng tạo được ra một ý tưởng phát minh nào. Những kẻ hủ nho, thậm chí khắm khú đến mức khuyển nho luôn soi mói tìm lỗi chữ nghĩa của người khác, và hí hửng lắm khi thấy lỗi nào đó. Nhưng kẻ đó đâu có hiểu vẻ đẹp toàn thể, trong điện ảnh chẳng hạn, người ta còn phải tạo ra bụi để cho khung cảnh kiêu hùng, người ta còn tạo ra rách rưới để cho tính hoạt động mạnh mẽ hơn. Có mấy chữ “chi hồ giả dã” cả ngàn năm không bàn nổi nó là cái gì, thì óc đâu mà bàn vào tính đa nghĩa của ngôn từ? Học mà không lấy ý như người Việt bảo “Tham bát bỏ mâm”, nghĩa là người ta chỉ chú mục vào cái nhỏ mà bỏ sót cái lớn. Hoặc như người Trung Quốc nói “kẻ nào trọng tiểu tiết thì không thể làm được đại cục”.

Ngôn ngữ của chính đời sống lớn hơn gấp bội chữ nghĩa chỉ nằm trên văn bản. Đây là một ý tưởng mãnh liệt mà văn hào Pháp Saint Exupery đã tìm kiếm trong tác phẩm “Những chuyến bay đêm”. Ông dùng ngôn ngữ văn học miêu tả chuyện có thực của mình. Một phi công bị rơi sau một tai nạn máy bay. Anh bò trên sa mạc ngày thì nóng như lửa đốt, đêm lạnh như băng tuyết, sau vài ngày kiệt sức tuyệt vọng không còn lóe lên tia sáng hy vọng nào trong cuộc sống. Và mặt trời kia chỉ giây phút nữa chìm khuất xuống chân trời thì sự chịu đựng của anh cũng cạn kiệt vào bóng đêm với cái lạnh mà cơ thể tàn tạ của anh không còn chịu đựng thêm được nữa… Vậy mà bỗng một đoàn người Ả Rập xuất hiện, vét toàn bộ sức lực anh chỉ có thể kêu được một từ tiếng Pháp “l’eau”. Anh biết những người Ả Rập chẳng hề biết đến từ tiếng Pháp đó, nhưng việc người ta làm đầu tiên là đưa túi nước vào miệng anh. Exupery gọi đó là “ngôn ngữ của cuộc sống”, thứ ngôn ngữ phổ quát máu thịt lớn hơn gấp bội những ngôn ngữ ở sau những chủng tộc và đường biên giới. Tất nhiên ngôn ngữ đó là đại dương, mà ngôn ngữ của đám hủ nho bẻ chữ chỉ là ao chuôm bé hơn trang giấy.

Ở đời có hành động thì phải có sai. Triết gia Sartre nói: “Tôi yêu những bàn tay bẩn vì đó là những bàn tay bắt vào dọn dẹp cuộc đời”. Bàn tay ca ve sạch như chùi lại còn bôi xanh bôi đỏ có gì để nói! Tôi không sợ sai, nhưng cũng không thể nhận sai vô nguyên tắc, nếu ai thấy tôi sai chữ nào, đề nghị viết hẳn bài để tôi được bàn trước con mắt của những người làm chứng. Người Việt sống xuê xoa rất ít chứng lý, đó là cái mà tôi rất sợ. Vậy tôi muốn được bàn trước sự chứng kiến của nhiều người. Tôi nghĩ chỉ có thế chúng ta mới trưởng thành vì được sống trong sự rèn luyện của công lý “khôn ngoan đến cửa quan mới biết”. Trái lại khôn ngoan trong xó hay dưới bếp không khéo lại chỉ thành ma xó. Xin cám ơn!

NHĐ  12/11/2013

Tác giả gửi cho NTT blog

18 thoughts on “VẠCH LÁ TÌM SÂU ĐỈNH CAO NHẤT CỦA TRÍ TUỆ KHUYỂN NHO

  1. Pingback: Anhbasam Điểm Tin thứ Bảy, 16-11-2013 | doithoaionline

  2. Pingback: VẠCH LÁ TÌM SÂU ĐỈNH CAO NHẤT CỦA TRÍ TUỆ KHUYỂN NHO – nguyentuongthuy | Vô Ngã

  3. Gửi lại

    Trong nghĩa chữ Việt thì “khuyển nho” và “hủ nho” là hai từ khác nhau;
    “hủ nho” là nói nhà nho gàn dở, cổ hủ, cũ kỹ, lạc hậu…
    còn “khuyển nho” lại là từ dùng để dịch thuật ngữ “cynic”, “cynicism”,
    mặc dù dịch thế không đạt lắm, bởi “cynicism”, “cynic” có khi được dịch /cho hả dạ/ là “vô liêm sỉ”.
    Nguyễn Hoàng Đức dùng “khuyển nho” theo nghĩa nào mà lại đánh đồng “hủ nho” với “khuyển nho” ?!!!

  4. Có một số người thuộc thế hệ trước, cũng có học, có đọc, nhưng hình như họ không nhìn nhận cuộc sống trong sự phát triển. Họ vẫn nhìn qua lăng kính của thời cách đây mấy chục năm. Họ cho rằng chỉ có họ mới là thực học, và hay mang cái thang giá trị mà có nhiều điểm đã cũ rích để phán xét mọi thứ. những người này thường có vẻ rất hiểu biết, nhưng thực ra không tiêu hóa được cái gì đến nơi đến chốn. Kiến thức của họ ấm ức trong đầu, và khi có cơ hội, thì quy chụp và đánh giá người khác một cách khá chua chát, mục hạ vô nhân. những người này cũng thuộc dạng hủ nho!

  5. nói về ngữ pháp hay và vì thế rong bài câu “c’ est correct mais pas francaise cần viết thành c’ est correct mais pas francais hoặc c’ est correcte mais pas francaise

  6. Có làm thì có sai, nhưng cứ sai riết thì ai cũng muốn thà anh chàng cứ ngồi yên hoặc tránh chỗ khác để người có tài hơn làm . Đôi khi chữa những tác hại do anh ta làm sai mà gây ra đủ để hết thì giờ nghĩ tới chuyện khác . Thấy Đảng “ta” chưa, chỉ chữa sai lầm còn không kịp, phải chối bay chối biến một số sai lầm tai hại không thể chữa được .

    Hóa ra ông Đức ghen ăn tức ở vì vua nghe theo bọn châm chính ông . Ông có khác gì đám nho kia đâu! Ok, ông nghĩ mình ngon ngọt hơn, thì cũng chỉ để phục vụ chính thống, bất kể cái chính thống tệ hại đến cỡ nào . Hóa ra ông phàn nàn TQ chỉ vì, theo ông, TQ không theo phép biện chứng, kiểu ngày xưa anh em xã hội chủ nghĩa đánh nhau vì thằng kia đều nghĩ thằng này xa rời chủ nghĩa Mác, và ngược lại . Cái này thì quá mức độ hủ nho, mà chạm tới giới hạn của khuyển nho .

    Ông biết vụ phi thuyền con thoi nổ là do một chi tiết nhỏ bị bỏ qua ? NASA có câu motto mới là “No Tolerance for Errors”? Jung khám phá thảm họa ngày hôm này là do những chuyện nhỏ không được giải quyết tồn đọng từ ngày này qua ngày khác . Chủ nghĩa Mác dựa trên một lỗi logic mà chính Nguyễn Hoàng Đức xem đó là tuyệt vời, mà chỉ sau Mác người ta mới nhìn ra .

    Cho một người hỏi tôi đã đọc gì của Bùi Văn Nam Sơn, tôi không muốn đọc những Bùi Văn Nam Sơn của bên này thì tôi đọc Bùi Văn Nam Sơn làm gì ?

    Tôi muốn đọc những gì Hegel hoặc các tác giả khác nói, thay vì những gì Bùi Văn Nam Sơn hiểu về Hegel hay các tác giả khác. Qua những gì tôi đọc, ông cố biện hộ cho Hegel và chính thể này, nhưng thất bại . Neo-Hegelian, chắc thầy ông ta là giới tân Mác-xít, tạo ra một lý thuyết từ Mác-xít hoặc những thứ đã ảnh hưởng Mác để chứng minh chủ nghĩa Mác luôn đúng . Loại đó bên này 3 đồng một tá .

  7. Pingback: Thứ Bảy, 16-11-2013 | Dahanhkhach's Blog

  8. Pingback: NHẬT BÁO BA SÀM : TIN THỨ BẢY 16-11-2013 | Ngoclinhvugia's Blog

  9. Bác Đức có may mắn gặp được minh sư như đức Fx Nguyễn Văn Thuận, chắc hẳn bác học được nhiều điều từ Ngài, và có lẽ bác cũng đã đọc “THẬP ĐẠI BỆNH – THẬP ĐẠI BẠI – THẬP ĐẠI THẮNG” mà Ngài chia sẻ rồi?

    Xin bác tiếp nối vị tiền bối bốc các toa thuốc vừa hiệu quả vừa dễ uống cho đồng bào mình!

    Xin chia sẻ cùng bác và độc giả về ba cái “Thập đại…” của vị thầy nói trên mà cháu rất thích.

    Kính,
    Ếch đáy giếng

    THẬP ĐẠI BỆNH – THẬP ĐẠI BẠI – THẬP ĐẠI THẮNG

    Thập Đại Bệnh

    1. Bệnh quá khứ cục bộ: Chỉ có quá khứ là đáng kể và ước ao trở về lại thời kỳ vàng son đó.

    2. Bệnh tiêu cực bi quan: Thở than và chỉ trích mọi người, mọi việc.

    3. Bệnh phô trương chiến thắng: Làm tất cả chỉ để khoe khoang cái tôi của mình.

    4. Bệnh cá nhân chủ nghĩa: Chỉ nghĩ đến mình và quyền lợi của mình.

    5. Bệnh lười biếng tránh né: Không dám động ngón tay vào bất kỳ việc gì cả vì sợ mệt, sợ tốn của, sợ mất giờ.

    6. Bệnh chuẩn mực trần tục: Đánh giá mọi sự việc và người khác theo cách thức mà báo chí truyền thông và thị hiếu của dân chúng đề ra.

    7. Bệnh đợi chờ phép lạ: Không chịu làm việc, dấn thân, nhưng lại chờ mong được kết quả tốt.

    8. Bệnh tùy hứng vô định: Không có lý tưởng rõ ràng và cũng chẳng bao giờ kiên trì trong công việc.

    9. Bệnh sống vô trách nhiệm: Ích kỷ, chỉ nghĩ đến mình. Không quan tâm đến việc chung và những bổn phận khác.

    10. Bệnh bè phái chia rẽ: Lập phe nhóm cho riêng mình. Không chấp nhận người khác ý kiến với mình.

    Thập Đại Bại

    1. Kiêu căng, xem người như máy móc, độc đoán, chẳng chịu nghe ai, bảo thủ ý kiến.

    2. Băn khoăn, bi quan, khiến cho người nghe cũng đâm hoang mang.

    3. Không biết dùng người, không chọn người, không biết huấn luyện, không hoà mình, không khoan dung, sống cách biệt, giữ óc địa phương.

    4. Đa nghi với mọi người, mang bệnh “do dự mãn tính”, sợ mất lòng, thay đổi ý kiến như chong chóng.

    5. Tự mình ôm đồm bao quát tất cả, lạc lõng trong những chuyện vụn vặt, không phân biệt đâu là chính yếu, đâu là phụ thuộc.

    6. Miệng nói rất khéo, nhưng làm thì khác, cuối cùng chẳng ai tin. Tuyên bố rùm beng, nhưng sống và hành động không ra gì. Gặp khó khăn thì buông xuôi nản lòng. Thành công thì huênh hoang tự đắc và cướp công vô ơn với kẻ thành tâm giúp mình.

    7. Dấn thân nửa vời, thịnh thì xu thời “xông pha cứu trợ người thắng trận”, suy thì rút lui nhẹ nhàng, không chịu trách nhiệm, và đổ lỗi cho người khác.

    8. Không có chương trình và kế hoạch, hăng tiết theo cảm hứng, thích tấn công, khó chịu khi nghe sự thật mất lòng.

    9. Ích kỷ, chỉ tìm danh lợi cho bản thân mình, sợ người khác hơn mình, giấu kỹ những kinh nghiệm của mình.

    10. Không cầu nguyện, chỉ tin vào tài năng và mưu mô, thủ đoạn trần tục, trông cậy vào quyền thế.

    Thập Đại Thắng

    1. Khiêm tốn trọng nhân phẩm của mỗi cá nhân; uyển chuyển, linh động; lắng nghe sáng kiến mọi người, rồi suy nghĩ, lượng giá.

    2. Ý thức, tin tưởng sứ mạng của mình như một ơn Chúa, bình tĩnh trước mọi biến cố.

    3. Có thuật dùng người, chấp nhận đối thoại tìm hiểu từng người, tâm hồn quảng đại, biết quên bỏ những lầm lỗi của kẻ khác, lắng nghe bạn bè khuyên bảo, và nhất là biết nghe kẻ thù chỉ trích.

    4. Tín nhiệm cộng sự viên, xem, xét, làm. Quyết định sáng suốt, thực hiện cho kỳ được.

    5. Chia sẻ trách nhiệm với các cố vấn, với chuyên viên, cộng sự viên. Luôn học hỏi, trau dồi thêm khả năng.

    6. Nói ít, làm nhiều, luôn luôn trọng kỷ luật, đi tiền phong, nêu gương sống trong mọi lĩnh vực, nhìn thẳng thực tế, khách quan, khiêm tốn lúc thành công, chia sẻ niềm vui với cộng sự viên, kiên trì, nhẫn nại, không bao giờ thất vọng.

    7. Sẵn sàng hy sinh tất cả vì sứ mệnh, can đảm nhận trách nhiệm, cùng thành công, cùng thất bại, không bao giờ làm tổn thương tình huynh đệ. Tình nguyện nhận điều khó cho mình và để cái dễ cho cộng sự viên.

    8. Trước mỗi việc đều có chương trình, kế hoạch; sau mỗi việc đều kiểm điểm chân thành, phê bình và tự phê, sợ tâng bốc, thích nghe nói thẳng, nói thật.

    9. Chỉ tìm phục vụ, quên mình vì đại cuộc, xác tín mình chỉ là khí cụ trong tay Chúa, nên chỉ tìm ý Chúa; giữ vững lập trường, thấy ai hơn mình thì vui mừng; chuẩn bị cho tương lai, dọn đường và trao hết kinh nghiệm cho người kế vị mình.

    10. Trước mọi công việc, trong mọi khó khăn, biết cầu nguyện, tìm ánh sáng và sức mạnh nơi Chúa, bàn hỏi với Chúa trước hết, phó thác cho Chúa trọn vẹn. Hy vọng trong thất vọng, cứ vui vẻ tiến lên, ngày mai có Chúa lo.

    ĐHY. P.X. Nguyễn Văn Thuận
    http://www.thanhlinh.net/node/43196

  10. Tôi có cùng suy nghĩ với ông Nguyễn Hoàng Đức.
    Khi nói/viết, ta phải sử dụng ngôn ngữ, mà ngôn ngữ là công cụ không hoàn hảo (như mọi thứ khác trên đời). Do vậy, văn bản được tạo thành cũng không bao giờ hoàn hảo.
    Người có trí tuệ và tư cách bình thường đều biết như thế, nên không bao giờ bắt bẻ văn bản theo lối vạch lá tìm sâu.
    Trái lại bọn hủ nho, khuyển nho và mọi thứ trí thức lưu manh khác, với cái thói láu cá cùng với tư cách đê tiện lại hay vin vào sự bất toàn của ngôn ngữ để chỉ trích, dè bỉu, chê bai ngôn từ của những người mà chúng không ưa và không đủ trí tuệ và tư cách để hiểu.
    Sự chê bai của bọn khuyển nho nó vô lý như ví dụ để so sánh sau đây:
    Đặt người ta may một cái áo, người ta may xong, cầm cái áo lên, săm soi, hít ngửi rồi phán một câu lạnh lùng: Cái áo này này đáng vất đi; áo gì mà có mùi tay người với lại mùi dầu máy may bao giờ!
    Để may cái áo, người thợ phải cầm nắm nó trong tay, làm sao mà khỏi có mùi tay người?
    Để may được cái áo, máy may phải được tra dầu mỡ, làm sao mà khỏi có chút mùi dầu máy phảng phất thoáng qua.
    Vin vào đó để chê cái áo thì đúng là tư cách của kẻ đê tiện.

  11. Tôi chưa hiểu tại sao bạn Đức lại viết bài này ,gây ra những cuộc tranh cãi không càn thiết đến mức như vậy,trong khi nhiều vấn đề liên quan đến vận mệnh của dân tộc,ảnh hưởng đến cuộc sống cụ thể thường ngày của từng chúng ta,chúng ta gác lại không bàn đến.Có phải chúng ta tự biến mình thanh “những kẻ hủ nho “như bạn đang diễu cợt đó không”?.Tôi nghĩ,mọi trang mạng đều bị bịt hết,duy nhất còn trang Nguyễn Tường Thụy là còn “thoi thóp”,xin đừng đưa trang này vào những chuyện vô bổ(hoăc có ích nhưng chưa thật cần thiết ngay)

  12. Với bạn Khanh

    Muốn xây nhà trước hết phải dọn nền. Hủ nho là vật cản rác rưởi của lịch sử, phản phong là công việc tiến bộ của cả nhân loại và cũng là công việc gian nan bậc nhất. Việc ấy bạn cho là không cần thiết thì bạn cho là việc nào cần? Mời bạn thử viết bài to lớn nào đó, tôi xin theo sau ngay. Vừa nói vừa làm mới khó, còn chỉ thổi kèn thúc người khác tiến lên một cách vu vơ khác gì bắn chỉ thiên. NHĐ

    • Tôi chỉ là một kẻ dốt nát,tầm thường,ngay muốn đánh máy vi tính cũng “mổ cò”,vả lại tuổi cũng ngót 80,làm gì mà viết được những bài to lớn,tham vọng cũng chẳng có gì..Máy vi tính bị vây,không biết cách mở khóa,đã từng hỏi bác Thụy(nghĩ là người hăng hái nhiệt tình ,nhờ chỉ cho cách bẻ khóa để vào các trang ,mở tầm nhìn.Tiếc thay “thầy ” Thụy hướng dẫn tối như hũ nut,với người dôt máy tính,không khác gì tôi học lớp 1,thày bảo mở sách toán Đại số ra học.Tôi phải “điều trần” như vậy để bạn Đức hiểu tôi chẳng có tham vọng hoặc tài năng như bạn.Tôi có đọc một số bài bạn viết,có những bài viết về nội tình đất nước,tôi nghĩ bạn là một trí thức có tài,có tâm.Nhưng vấn đ ề tranh luận hiện nay chỉ quanh một số từ(có thể là nhiều từ đi chăng nữa),trước đây dùng sai,bây giờ đang dùng sai,chỉ buồn cười ,chứ có ai nhầm ý đâu.Ngược lại máy móc quá,sẽ gò bó.,phát biểu ,ai trót dùng từ nào mượn chữ Hán nhưng sai nghĩa gốc(nhưng ai cũng hiểu)thì bị bẻ,chăc trên mạng chỉ còn một số người dám viết…Còn chúng tôi lo cái gì ư?những bài viết của chính bạn Đức về cuộc sống khó khăn hàng ngày,về “nội xâm”tham nhũng,về thiên tai,về ngoại xâm…mà các bài viêt bạn gợi ý đó.Mọi người chưa kịp “thẩm thấu”các bài viết của bạn,thì bạn đã chuyển sang một đề tài mới(mà tôi cứ tưởng bạn phản ứng ai chê bài viết của bạn,nên tôi thắc mắc)

  13. Không ai dám chê bai gì bác Thụy,tôi chỉ dẫn việc tôi vào mạng khó khăn và khổ sở như thế nào để bạn Đức hiểu ,chúng tôi chỉ là những người đọc bình thường,không ham hố gì “công danh”,nên khi bạn thách viết bài to tát ,chúng tôi phát hoảng như thấy ông võ sĩ đứng trên võ đài thách mình lên đấu!Cũng qua đây để các bạn biết ,rất nhiều người “mù”vi tính,nhưng vì
    ‘đất nước hưng vong,thất phu hữu trách”,chúng tôi muốn vào các trang mạng để tìm hiểu thêm “đất dưới chân mình đứng”giờ ra sao.Hồi nọ thì còn có thể vào BAUXITE,BASAM(và rất khâm phục một trang Basam phong phú đa dạng,cả báo “lề phải” lẫn “lề trái”chỉ do một cô gái đảm đang.Đã có lúc,trang Basamf mở rất nhiều cửa,gần như thách đố hacker.Tôi rất khen vị anh hùng kiệt nữ này.Nhưng rồi”nữ nhi sánh với anh hùng được nao”,huống chi cả một đấm đông hacker đánh hội đồng,trang Basam đối với bọn “người trần mắt thịt “chúng tôi coi như sập,không vào được,vị nữ anh hùng quả cảm ấy trên mặt trận internet kể như đã …”hy sinh”(xin lỗi chị nhé,sự ví von không tương xứng chính xác,nhưng người già chúng tôi coi như chẳng thấy chị trên mặt trận internet nữa).Bọn dốt chúng tôi chỉ còn có thể vào trang của bác Thụy.Tự nhiên trang này “của quý hiếm”.Vì thế mới khuyên không nên “lãng phí”nó”vào những việc chưa quá cấp thiết.Thực tình mà nói,nếu trang này mà xập,sẽ có rất nhiều người không có cơ hội tiếp xúc với các ý kiến trái chiều để cân nhắc đánh giá sự thật,Cũng qua lần phát biểu này,tôi muốn lưu ý bác Thụy giữ gìn sao cho trang của bác không bị xâoj

    • Khi bác viết: “khi bạn thách viết bài to tát”, tôi không hiểu bác nói đến ai vì trước đó bác dùng từ “bác” chứ không dùng từ “bạn”. Nhưng nếu bác nói tôi thì không phải đâu, chắc bác nhớ nhầm đấy vì tôi không có thách đố ai bao giờ. Nếu có câu nào như thế, mong bác vui lòng trích lại.
      Tôi đã bị xóa 3 blog, blog này là thứ 4 đấy bác ạ. Có lẽ tại trước đây tôi không có kinh nghiệm bảo vệ, bây giờ thì cũng hơn trước chút thôi, vì vậy cũng không biết sẽ bị phá khi nào. Tôi cũng rất kém về vi tính.
      Chúc bác khỏe

      • Bác Thụy là ngươi quản lý trang mạng mà bác không để ý bạn Nguyễn Hoàng Đức thách tôi viết bài “to tát”.Là người nhiều tuổi(tôi xin lỗi vì tình thực chưa hề biết bạn Đức ,nên cứ thấy bạn này viết nhiều,viết khỏe,nên ước chừng” ông” này trẻ,khỏe,là nhà trí thức…),chót góp ý tí chút vì muốn được đoc những bài “mà mình mong muốn”,thì bị “ngài”như một võ sĩ hạng nặng thách đấu,nên tôi phát hoảng(thách bằng cách bảo tôi thử viết bài” to tát”)Khổ một nỗi ,ngày BÃUXITE xem dễ dàng,tôi nhớ có một bài giải thích các vị trí thức là “think tank” của dân tộc,góp ý chân thành ,không ngờ cái”think tank” ấy nổi nóng.Trời ạ,nếu tôi may mắn được học hành đến nơi đến chốn,tôi dám “thượng đài”ngay,xem lúc này là lúc nào khi bên ngoài thì giặc ngấp nghé,bên trong thì những” nhóm lợi ích” cùng với nạn tham nhũng trở thành giặc nôi xâm.trời thì giáng thiên tai,các nhà trí thức ung dung vuốt râu,bên ấm trà bàn chuyện dùng từ chữ Hán cho đúng nghĩa gốc(trong khi những từ ấy nếu viết,hoặc nói ra ,người Việt Nam ai cũng hiểu đúng ý của người nói),mà tôi chủ quan cho rằng phần thắng sẽ thuộc về mình!”Lực bất tòng tâm “là thế đấy!Cho nên tôi xin kéo cờ trắng!Còn tôi góp chút ý với bác Thụy là vì đôi lúc trang của bác tự đặt vào thế nguy hiểm.Bài viết của bạn Lê Thị Công Nhân gọi Công An là”tên”,là “thằng”…Đọc bài của chị,tôi biết chị có nhiều bực tức,Công An gọi chi là “con này,mụ nọ”-vẫn chưa là “cái đinh gì”-vì,trên mạng tôi còn biết có anh cấp tá ví “tự do là cái con. c..”.Đó là vì các anh ấy được đào tạo ở những nơi không đến nơi đến chốn,Nhưng chị học ở trương Luật kia mà!Những bài quá khích quá,làm cho trang mạng của bác Thụy nguy hiểm,nếu duyệt trước,bác nên ra một nội quy:”Bài viết “quá nóng”hoặc không đăng,hoặc phải chấp nhận sửa cho nghe được” Biết rằng làm thế thì bác Thụy quá bận,bác cũng như mọi người,phải làm ăn,sinh sống,chứ”có mài trang mạng mà ăn được đâu”.Tuy nhiêntrang của bác muốn an toàn khi chạm vào những đề tài “nguy hiểm”thì phải thế!.Góp ý mộc mạc chân thành,mong hiểu cho!

Đã đóng bình luận.