TẠI SAO CÔNG BẰNG LÀ VẺ ĐẸP CAO NHẤT CỦA VĂN HỌC?

TẠI SAO CÔNG BẰNG LÀ VẺ ĐẸP CAO NHẤT CỦA VĂN HỌC?

Nguyễn Hoàng Đức

.

Văn học chiếm vị trí cực kỳ quan trọng của đời sống, ngày xưa các chế độ phong kiến chỉ đơn giản xây dựng chế độ trên hai lực lượng chính là Quan văn và Quan võ. Quan võ lo việc chinh phạt hay giữ gìn biên cương. Quan văn thường chiếm ưu thế hơn với việc cơ cấu hiến pháp, làm luật, làm tham mưu, rồi tổ chức các lễ nhạc… Có thể nói, quan võ là chân tay xông pha biên ải. Còn quan văn là bộ não tham mưu ở sát nách vua chúa.

Văn là chữ nghĩa, mà chữ nghĩa cũng là trí tuệ. Người đời còn tôn vinh Văn học là Nhân học. Thế là hết cỡ và toàn diện. Thiên tài vật lý Einstein chẳng hạn, ông đã thừa nhận chính văn hào Dostoievski đã là nguồn cảm hứng lớn giúp ông nghiên cứu và phát minh lý thuyết vật lý.

Thep triết gia Socrate, thì toàn thể vũ trụ tồn tại được là do luật Công Bằng. Đơn giản như một cái thuyền không cân bằng hai bên mạn thì nó sẽ bị úp liền. Cái gì cũng cần cân bằng. Cơ thể người chẳng hạn, cái gì có một thì ở giữa, cái gì có hai thì ở hai bên, đó cũng là luật công bằng! Các con thú cũng vậy, dù chúng bốn chân hoặc hai chân, thì hai chân, hai cánh phải giữ cân bằng hai bên. Một con chim bị cắt cụt một bên cánh sẽ không cách gì bay lên. Rồi một chiếc xe ngựa, một chiếc diều, hay giờ là chiếc phi cơ nếu trọng lượng hai bên không cân bằng sẽ gây đổ vỡ liền.

Đó mới là sự cân bằng vật thể hữu hình. Còn những sự cân bằng “phi vật thể” khác, như cân bằng âm dương. Trong một đàn cá, có con đực đầu đàn dẫn đường, khi con đực không may chết, thì có một con cái trong bầy đã hóa thành đực để dẫn đàn đi. Rồi không khí vận chuyển trong không trung, khí nóng bốc lên khí lạnh chìm xuống, tất cả đang tìm cách lấy lại cân bằng. Ngay cả con người cũng tìm cách cân bằng giữa thể xác và tâm hồn. Nếu ăn uống thái quá, khoái lạc thái quá, không điều độ sẽ dẫn đến miệng lưỡi mất ngon, thậm chí mắc chứng tháo chảy, ăn bao nhiêu chảy ra ngoài hết, như người Việt nói “Đa thủy hại thân, đa dâm
hại thận”.

Công bằng hay Công lý theo gốc tiếng Latin là “Justice”. Nó khởi từ chữ “just”. Người Việt vẫn hay nói câu “vừa duýt”, có lẽ nói theo  tiếng Tây, như từ “tùng bê” nói theo chữ “tomber”. Thần công lý được tượng trưng là một người bịt mắt cầm cái cân. Cái cân chính là biểu thị của sự công bằng. Chúng ta thử nhìn hai đĩa cân, ở chính giữa có hai mấu châu đầu vào nhau, khi hai cái mấu đó vừa cân nhau, không cao hơn, không thấp hơn, mà bằng nhau, chúng ta có thể coi đó là điểm
“just”.

Công bằng trong vật thể hay phi vật thể cũng chưa phải là công bằng xã hội nhân văn. Sự công bằng này cũng mang tính bản năng. Nếu người ta chia thức ăn cho mấy con chó, một con được nhiều, các con khác được ít, lập tức các con khác chưa lo ăn, mà lo xông vào giành giật phần của con được nhiều, khi cảm thấy mình có được phần tương xứng chúng mới cắp ra một chỗ riêng để ăn. Nếu người lớn đưa kẹo cho đứa lớn nhờ nó chia cho các em bé, khi nó chia đều thì không sao, khi nó chia ít cho mấy đứa, lập tức số này sẽ tách ra không thèm chơi với kẻ chia phần cũng như những đứa được thiên vị chia nhiều hơn.

Văn học là chữ nghĩa là cách cao quí trên tất cả mọi khoa học ở đời, theo cách mà triết gia Platon diễn tả. Ông nói: Dù chúng ta có môn thiên văn nghiên cứu những vì sao xa xôi ở tận cùng vũ trụ, dù chúng ta có các bộ môn nghiên cứu nhiều đối tượng khác, nhưng tất cả đều không bằng môn Biện chứng pháp, bởi lẽ chỉ có môn này mới có thể bàn đến việc thiện ác của con người. Mà với con người đạo đức là cao quí nhất. Có phương ngôn “Khoa học mà không có lương tâm chỉ là táng bại về linh hồn”. Muốn bàn đến đạo đức thì phải cần chữ nghĩa, mà văn học tham gia phần rất lớn vào quá trình chữ nghĩa đó. Chính thế có phải người ta mới nói “Văn học là Nhân học”?!

Triết gia Aristote thì nói cụ thể hơn: Văn học cao hơn các loại hình nghệ thuật khác vì chỉ có văn học mới bàn đến được vẻ đẹp bên trong của tâm hồn con người đó là LẼ CÔNG BẰNG. Bên trên chúng ta đã bàn: không có công bằng vũ trụ không thể nào tồn tại và vận động. Vậy thì với vai trò văn học có thể bàn đến vẻ đẹp công bằng ngay trong tâm hồn, thì vai trò của nó lớn đến mức nào.

Những tác phẩm lớn nhất thời đại như “Tội ác và trừng phạt” hay “Anh em nhà Ca-ra-ma-dốp” của Dostoievski, hay “Vụ kiện” của Kafka… đều bàn đến vấn đề công lý và xét xử. Tất cả các tiểu thuyết hay tác phẩm điện ảnh có cảnh xử án ở Âu Mỹ đều giành được vị trí hết sức trang trọng.

Các tác phẩm từ báo chí đến giải thưởng uy tín về văn học đều ưu tiên hàng đầu cho các vấn đề thời sự nóng bỏng, sự dấn thân. Đến mức người ta còn phải học biết nguyên lý Chân – Thiện – Mỹ. Một bức tượng chưa nói đến vẻ đẹp của nó, nếu nó không tuân thủ trọng lượng tức cái “chân” giành cho nó, nó không thể đứng vững nói gì đến đẹp.

Theo đó thì cái Mỹ thuần túy đứng dưới cả cái Thiện, đứng sau cả cái Chân, trong tòa nhà ba tầng thì cái Mỹ đứng thấp nhất. Người ta nói “Văn học là Nhân học” chứ không nói “Văn học là Mỹ học”. Cuộc đời người phong phú và thách thức hơn mỹ học nhiều lần. Con chim có đôi cánh sẽ bay lên trời nhìn thấy sông núi. Con gà què nghĩa là chân không cân thì chỉ đi vòng quanh và nhìn thấy cái cối xay. Chiếc phi cơ cân cánh sẽ bay lên trời du hành qua các đại dương. Chiếc phi cơ lệnh cánh thì chỉ đỗ một chỗ làm nhà ăn lưu động cho mấy thực khách lèo tèo. Sự việc rất rõ, đây cũng là nguyên lý chung của nhân loại. Ấy vậy mà có vài nghệ sĩ vườn lại muốn biện hộ cho thứ nghệ thuật quẩn quanh của mình bằng cách nói, cái đẹp nghệ thuật là hàng đầu. Cái đẹp sao bằng cái chân?! Và sự công bằng của tâm hồn đầu tiên là nên biết chấp nhận sự thật phổ quát của loài người, tại sao mấy anh ú ớ quờ quạng này cứ muốn một mình nghĩ ra chân lý? Lại còn cãi lấy được rằng: văn học cũng như trường ca cần gì phải có nhân vật. Nói thế nào có khác gì bảo, thành phố không cần con người.

Tại sao văn học Việt Nam nói chung còn bé bỏng lèo tèo loạng quạng bê tha cảm xúc ngê nga? Chắc chắn là vậy! Bởi vì chúng ta chưa khai thác sức mạnh của văn học, đó chính là: vẻ đẹp công bằng ẩn bên trong tâm hồn. Muốn làm phán quan hay thẩm phán ư? Chúng ta đã học gì để làm một “trạng sư”? Có phải chúng ta chủ yếu viết về tình dục hay những sinh hoạt vặt vãnh để lảng tránh những thách thức hay ưu tư lớn của cuộc đời, rồi sau đó còn biện hộ “tôi vì cái đẹp thuần khiết”? Cái đẹp mà làm gì nếu nó không định đòi công bằng ngay ở trong tâm hồn?! Mà cái
đó làm sao đẹp nếu nó không có “sự thật tức cái chân” trong nó để đứng
vững?!

Nếu không có công lý, thì “sư nói sư phải, vãi nói vãi hay”, rồi thì “chân lý thuộc về kẻ mạnh”. Khi đó lớn ức hiếp bé, khỏe bắt nạt yếu, khôn trà đạp dại, trẻ đè nén già… xã hội con người mất hết vẻ đẹp trở thành một thứ lục lâm thảo khấu. Có phương ngôn: “Con người đối xử với con người như bầy sói, nhưng những con sói chúng lại không đối xử với nhau như sói”. Có nghĩa khi con người không có công bằng thì còn thua cả bầy súc vật, bởi lẽ súc vật có luật công bằng của tự nhiên, còn con người bằng trí khôn tham lam ngắn hạn của mình đã phá vỡ luật công bằng tự nhiên mà không thể xây lên một nền công bằng cho con người. Như vậy họ chỉ là một xã hội bất công xấu xí còn thua động vật.

Viết văn, làm thơ mà không hướng tới vẻ đẹp công bằng cho con người thì chỉ là những cảm xúc rơi vãi được chăng hay chớ mua vui gọi là, làm sao chúng có thể trở thành lâu đài lừng lững trong tâm hồn của con người? Một khi chữ nghĩa không trở thành vẻ đẹp của tâm hồn thì chữ nghĩa mà làm gì? Chữ nghĩa chỉ là thông tin thì buổi chiều đã có một thông tin khác thế chỗ. Nếu chữ nghĩa là cảm xúc thì một cơn gió thổi qua cảm xúc nổi da gà đã nhấn chìm cảm xúc tươi tắn vừa có. Chính thế mà tôi đã làm hai câu thơ:

Bàn chân đau chặng đường chưa tới

Và chân lý hằng đau mùa gặt

Chân đau chặng đường chưa tới tức là mảnh đất chưa ai khám phá, đó là cơn đau phiêu lưu sáng tạo. Còn chân lý liệu nó có đáng trở thành thứ hạt giống hay cây trồng chính yếu của “vụ sống con người”.  Nhân loại nói chung, người Việt nói riêng đã bao giờ được chứng kiến một mùa gặt bội thu chân lý hay chúng ta chỉ có vài kẻ lèo tèo đi mót chân lý trên cánh đồng vụ lợi của thế tục? Những cây bút còn lại đông đảo kia, họ đi gặt chân lý hay là đang ngê nga khẩu quyết “cơm áo không đùa với khách thơ”? Trời ơi đã leo vào chữ nghĩa mà vẫn còn nặng tình với cơm áo như vậy, còn lao tâm khổ tứ kiếm thêm tem phiếu, rồi leo ghế, ẵm giải, thì đó là nền văn chương sống cho công lý hay chỉ là “giá áo túi cơm”???

.

NHĐ  26/10/2013

9 thoughts on “TẠI SAO CÔNG BẰNG LÀ VẺ ĐẸP CAO NHẤT CỦA VĂN HỌC?

  1. Xin lỗi. Bài luận nhạt như nước ốc. Với trí tuệ khả năng và sự thông thái của mình, bác dấn thân cho xã hội công bằng thêm chút (như bác Thụy, bác Thành -BĐX…). Xin bác.

  2. “nhưng tất cả đều không bằng môn Biện chứng pháp, bởi lẽ chỉ có môn này mới có thể bàn đến việc thiện ác của con người. Mà với con người đạo đức là cao quí nhất”

    Nguyễn Hoàng Đức lại nói bậy .

    Một phần cực lớn của triết học cổ điển dựa trên nền tảng chấp nhận sự hiện hiện của một đấng toàn năng là Thượng Đế . Từ điều này nảy sinh một vấn đề nan giải về tư duy là sự hoàn hảo của Thượng Đế và sản phẩm của vị này, là thế giới ta đang sống . Ta sẽ phải giải thích thế nào về những khổ đau, sự tồn tại của cái ác, cái xấu xa nếu Thượng Đế -một thực thể hoàn hảo với khả năng hoàn toàn- lại sáng tạo ra những thứ như vậy . Khái niệm ma quỷ được sáng tạo để lãnh trách nhiệm về những đau khổ, những điều xấu xa trong thế giới toàn hảo này, và đẩy sự giải quyết vấn đề tới vô tận . Nhưng các nhà triết học không chấp nhận như vậy, vì đối với họ, khái niệm ma quỷ quá dễ dàng .

    Với lòng tin vào sự hoàn hảo của Thượng Đế, họ bắt buộc phải chấp nhận thế giới như ta đang sống là hoàn hảo, tức là bắt buộc phải chấp nhận cả mặt tốt -chân thiện mỹ … và mặt xấu -đau khổ, ác, tham … của cuộc sống này . Và biện chứng được sáng chế ra để phục vụ mục đích trên. Tức biện chứng không phải để vinh danh cái Thiện, mà là để biện hộ cho cái Ác . Laplace xem sự hiện diện của cái xấu là để ta nhận thức được cái đẹp, cái xấu xa càng tệ hại, cái đẹp càng rực rỡ . Chuyển qua Thiện Ác ta sẽ có phải tồn tại cái cực Ác, ta mới nhận ra sự tuyệt vời của cái Thiện . Cần để ý cái Ác, trong tư duy các triết gia cổ điển, không phải là thứ cần xóa bỏ, thậm chí trở thành một thứ rất cần thiết, không thể thiếu được của đời sống .

    Đừng hỏi tại sao các chủ thuyết mang trong mình thuyết biện chứng đều dẫn tới bạo lực, hoặc bạo lực lẩn khuất đâu trong đó .

    • Xin mạo muội góp vài thiển ý về vấn đề Thượng Đế :
      -Tríết gia lừng danh E.Kant cho là Thượng Đế có hay
      không là một vấn đề “bất khả tri”,nên ông đề ra thuyết
      bất khả tri (agnostism) vì sự giới hạn của trí khôn của
      con người nên không thể hiểu hết mọi sự.
      -Nếu vàng dùng để thử lửa,nhan sắc để thử đàn ông
      v.v.thì tôi thiết nghĩ loài người thì bị thử thách bởi sự
      đau khổ và cả sự bất công khi sinh ra đời (giàu,nghèo,
      nam,nữ).Nếu xã hội gồm những người đều là thánh
      cả (hoàn hảo) thì xã hội đó sẽ không có sự cạnh tranh
      để phát triển.Ở đây,phải công bình mà thừa nhận Marx
      đã đúng khi khám phá ra một quy luật là có cạnh tranh
      giữa các mặt đối lập thì mới có sự phát triển.Thành ra,
      mỗi một sự vật cụ thể hay trừu tượng đều có 2 mặt đối
      lập thì con người mới phải nỗ lực để đấu tranh không
      ngừng trong mục đích tìm ra Chân,Thiện,Mỹ và nhờ đó
      mà xã hội không bị thoái hóa dần rồi tận diệt !
      -Con người khi sinh ra đời là một thực thể tự do,vì thế
      họ có trách nhiệm hoàn toàn trong các hành động của
      mình,chỉ trừ ra họ gặp phải những tai nạn ngẫu nhiên
      ngoài ý muốn của họ thì có thể không kiểm soát được
      hành vi của mình (do đó họ được giảm hay miễn tội).
      Tóm lại,cuộc đời với đủ thứ bất mãn (sinh,bệnh,lão,tử)
      như thế thì mới làm cho con người ý thức về sự yếu
      đuối cũng như vô thường của mình mà tu tâm sửa tính
      ở trên cõi trần đầy ô trọc này,trước khi về “tường trình”
      công tội của mình với một đấng Toàn Chân,Toàn Thiện,
      Toàn Mỹ để bị “thưởng,phạt” chứ nhỉ ?
      Đạo Phật có thuyết nhân-quả hay luân hồi cũng đều có
      hàm ý “thưởng phạt” nói trên.

  3. Pingback: Anhbasam Điểm Tin thứ Bảy, 26-10-2013 | doithoaionline

  4. Nói chung,bài này ông NHĐ.viết còn khá hơn
    những bài trước nhiều,nghĩa là nếu ông Đức
    bàn về triết học hay văn chương thì còn thuyết
    phục hơn chính trị,nhất là thứ chính trị bá đạo
    hay độc quyền độc đảng !
    Có điều là lý lẽ về cân bằng và công bằng còn
    khái quát qúa nên chưa được chính xác.
    Cân bằng là một thể dạng thấp nhất của công
    bằng,cũng như quặng mới đào lên,còn thô.
    Sự cân bằng có thể so sánh hay cân đo đong
    đếm được,chủ yếu áp dụng vào những gì cụ
    thể như bàn cân,một tổ chức hay một xã hội
    nào đó v.v.được phát triển đồng đều thì đó là
    sự cân bằng hay quân bình.
    Cao xa hơn đạt đến tầm triết học hay đạo đức
    thì đó là sự công bằng hay lẽ công bằng.Và từ
    điểm này mà có công lý.
    Như vậy,công bằng là sự bình đẳng phổ biến,
    chung cho mọi người,ai cũng công nhận vì có
    giá trị phổ quát.
    Chẳng hạn cân bằng là khi người ta chỉ trích
    hay lên án đồng đều cả 2 phe cộng sản và tư
    bản cho có vẻ công bằng,có vẻ thôi chứ không
    tìm cách phân tích sâu xa hơn về mức độ,tính
    chất,điều kiện,nguyên nhân,hậu qủa v.v.nhằm
    đạt cho được sự công bằng ở chung cuộc.

  5. Pingback: Thứ Bảy, 26-10-2013 – Từ Nguyễn Phương Uyên đến Lê Quốc Quân và Đinh Nhật Uy: Bản án “Sợ” của CSVN | Dahanhkhach's Blog

  6. Vấn đề chính mà NHĐ đang bàn ở đây là: vẻ đẹp của sự công bằng. Đúng là, nếu không phải là hiện thân của công lý, thì cái gọi là vẻ đẹp thuần khiết kia chỉ là sự huyễn hoặc, tầm phào. Cái đẹp chỉ thực sự huy hoàng, bất tử khi nó thể hiện trong mình những giằng xé, đớn đau,khát vọng về lẽ công bằng.
    Hình như đây không phải là vấn đề mới. nhưng NHĐ đã thể hiện khá hấp dẫn, đáng phải suy nghĩ.

  7. Pingback: NHẬT BÁO BA SÀM : TIN THỨ BẢY 26-10-2013 | Ngoclinhvugia's Blog

Đã đóng bình luận.