Cuộc “thi” Dịch văn xuôi ra thơ Đường luật ngày đầu tiên.

Cuộc “thi” Dịch văn xuôi ra thơ Đường luật ngày đầu tiên.

.

Nhà cháu cho chữ “thi” vào ngoặc kép vì nghĩ các bác đều hiểu là nhà cháu bày ra cho vui thôi chứ thi thố gì mà ban giám khảo không có, tiền thưởng cũng không.

Ngày đầu tiên phát động “cuôc thi” được các bác hưởng ứng rất chi là nhiệt tình. Nhà cháu đợi mãi không thấy bác nào bình các bài hưởng hứng nên xin điểm qua một vài bài chứ không có tham vọng nhận xét kỹ càng.

 1. Bài gửi sớm nhất là của bác Chín Đờn Cò (sau đây xin gọi là bác Cò cho tiện. Hi hi)

Chập chùng, chập chùng, lại chập chùng
Mênh mông trùng điệp sóng Yên Trung
Đôi gò bồng đảo trôi lờ lững
Một mảnh chăn mây phủ khắp vùng
Trăng rụng mặt hồ, vàng vương vải
Nước xao đáy vực, ngọc tóe tung
Bóng chim tăm cá hòa hư ảo
Xao xuyến lòng ai giữa mông lung.

Bác Cò nói trước là thơ vụng, chỉ góp vui thôi, đừng cười. Vâng, hẳn là bác nào có bài hưởng ứng chỉ là góp vui thôi chứ nhà cháu biết không bác nào có ý so tài, thi thố gì. Dù vậy nhà cháu cũng xin có ý kiến qua một chút.

–    Bác có một câu hay là câu 7.

–    Việc trùng từ của bác ở câu 1 có thể chấp nhận được vì bác có ý dùng điệp ngữ. Tuy nhiên, dùng điệp ngữ không được ảnh hưởng đến niêm luật.

–    Nhưng chữ tô đậm là bị sai bằng thành trắc hay ngược lại (nhị tứ lục phân minh)

–    Hai cặp đối của bác Cò thì được, trừ những chỗ sai thanh và chỗ gạch chân (đối không chỉnh)

–    Ngoài ra có mấy chỗ mắc bệnh phong yêu, hạc tất (chữ nghiêng)

2. Bài của bác Nguyễn Tâm Thiện. Bác này tên là thế nhưng nhà cháu cũng biết bác qua nhiều diễn đàn và nghĩ tâm bác thiện thật.

Núi thắm, trùng mây ấp đại hồ
Suối tràn sóng nhạc, đá lô nhô
Tung tăng bóng đùa trăng nhú
Réo rắt ngàn thông gọi sóng vồ
Cảm cảnh Tiên bồng hồn hoá thánh
Say miền sơn thuỷ ý nên thơ
Ngàn năm kết tụ trời – non – nước
Sắt đá rồi chăng khéo ơ hờ ???

Bài khá chuẩn về Đường luật, rất tiếc là bác sai thanh ở chữ thứ 55 (ơ).

Có mẫy lỗi sau là lỗi nhẹ:

–    Chỗ gạch chân mắc hạc tất

–    Câu 5 có 4 chữ không dấu (lỗi chánh nữu)

–    Tiên bồng/sơn thủy: đối chưa chỉnh.

3. Bài của bác Văn Đức:

Yên Trung hồ rộng, ngang lưng núi,
Rừng biếc bao quanh, lẫn sắc trời;
Lai láng từ khe, giòng nước chảy,
Bập bềnh bồng đảo, sóng chơi vơi.
Cá to thỏa chí tung mình nhảy,
Cao đến cùng thì cũng phải rơi;
Sóng lan ra mãi, rồi sẽ hết,
Để chút bâng quơ lại với đời.

Bài này bác Đức chơi theo Đường luật cao cấp rồi. Vỗ tay.

–    Luật này 3 cặp đề, thực, luận đều phải là những cặp đối. Nói chung 3 cặp này đối không chuẩn.

–    Câu đầu có 4 chữ không dấu (chánh nữu)

–    Câu 7 và 8 thất niêm, lạc sang bảng luật trắc.

4. Bác Đức còn thêm bài nữa, theo bác, “Vì các ý đều hay nên không dám bỏ và cố bám theo chữ; vậy xin được làm thành 2 đoạn”.

Một góc có khe, le, vịt dỡn,
Đêm trăng tịnh mịch, tiếng chim gù;
Thực là sơn thủy, tranh trời vẽ,
Hữu tình cho đến … mãi thiên thu.
Yên Trung – Người đẹp đang ủ mộng,
Choàng tỉnh mà như chửa hết say:
Tạo hóa khéo bày, là thế thế,
Ưu phiền chi giữa cuộc chơi này?

Bài này bác Đức cũng bị thất niêm ngay từ câu thứ 4 và các cặp cần đối không đối. Câu 5 và 7 bị lạc vận.

5. Bác Lê Vinh Huy viết theo giọng trào phúng. Nói chung, thơ Đường luật phù hợp với thơ vịnh cảnh, thơ nội tâm và nếu viết trào phúng thì phát huy thế mạnh rất rõ. Chứ còn với thơ tình thì không hợp

lưng chừng núi có hồ to
Làm lắm thi nhân đến lặn mò
Thằng gãi rừng thông nâng bác Thuận
Đứa mơn bồng đảo bú em phò
Chim trời cá nước đâu mờ biết
Ý thánh thơ thần đíu dám ho
Quẳng mẹ ưu phiền nàng xuất khí
Nobel ai dám…độn anh lò!

Câu 1 mắc lỗi phong yêu còn câu 4 lỗi hạc tất là những lỗi nhẹ

Hai cặp đối khá ấn tượng. Riêng cặp luận đối không chuẩn ở 3 chữ cuối.

Câu 8 có một chỗ hẳn là bác í dùng thuật nói lái làm nhà cháu cũng phải bật cười. Còn toàn câu khá độc (ý nhà cháu là độc đáo, là hay chứ không nói là độc địa đâu nhé)

Cặp thực nhà cháu nể bác nhất là chữ gãi rừng thông, rất tượng hình, đặt đúng ngữ cảnh của câu đó. Bác này ghê phết. he he.

Nói chung nhà cháu đánh giá cao bài này.

6. Bài của bác Bác Thanh-Huyền. Chả biết sao tên bác có cái gạch nối, nhà cháu không dám bỏ.

Chen giữa hai bên núi một hồ
Ven bờ cây phủ ánh trăng nhô
Xa xa dáng ngọc đôi hòn nhú
Hờ hững sườn non bức họa đồ
Cảnh vật hữu tình pha ảo thực
Suối ngàn tương cảm hội nguồn thơ
Khá khen con tạo bày nên vẻ
Non nước hòa duyên khéo hững hờ.

Bác Huyền làm thơ, niêm luật chuẩn, chữ dùng uyển chuyển, chọn lọc. Đặc biệt, vai trò của các cặp không bị lẫn, rõ là đề, thực, luận, kết. Hiếm khi nhà cháu gặp được bài thơ như thế này.

Đáng tiếc là các cặp đối chưa chỉnh và bị trùng chữ hờ hững.

7. Bác Nguyễn Quốc Sơn gửi qua email. Theo nhà cháu thì bác viết rất nghiêm túc, cẩn thận, đây là đức tính rất cần thiết khi làm thơ Đường luật.

Yên trung thủy tọa núi soi gương
Đảo nhỏ bồng bềnh lá biếc sương
Cá nhảy lòng hồ tìm bạn rỡn
Le đùa mặt nước kiếm uyên ương
Thông reo núi đứng lời cha dặn
Nước chảy khe truyền sữa mẹ thương
Tửu chứa lưng hồ trăng tỏa sáng
Thơ đeo nặng túi khách tha hương.

Bài thơ làm đúng luật cơ bản, vẫn giữ đúng thanh bằng trắc ở các vị trí nhất tam ngũ, lại dùng chính vận. Cặp đối thứ hai ý rất hay khi bác dùng hình ảnh thông, núi khi nói về người cha và nước chảy khe truyền khi nói về người mẹ. Bài này nhà cháu thấy hoàn chỉnh nhất. Hai cặp đối cũng rất chỉnh.

Câu 1 và 8 còn mắc lỗi phong yêu. Câu 8 có bốn chữ không dấu (chánh nữu). Ngoài ra, điều này không phải lỗi nhưng nếu bác đảo dấu của vần đi (không dấu và dấu huyền đan cài nhau) thì bài thơ đọc trầm bổng hơn.

8. Bài của bác D.Nhật Lệ

Yên Trung hồ nước lưng chừng trời
Bát ngát một màu núi biếc thôi
Bồng đảo đôi gò lăn tăn sóng
Sơn ngư vài chú giỡn tung trời
Ban ngày tiếng vọng bầy chim hót
Hồ nước đêm về ánh trăng soi
Tạo hóa khéo thay tài tô điểm
Thiên nhiên hùng vỹ đẹp tuyệt vời!

Câu 1 đọc hơi ngang phải không các bác. Câu này mắc lỗi tiểu vận bởi chữ Trung và chừng thông vận.

Nhưng điều làm cho nó ngang thêm nữa là chữ lưng. Ba chữ cùng vần trong 1 câu là điều tối kỵ, ngoài ra có 3 chữ không dấu (chánh nữu). Tuy vậy, về bằng trắc, bác Lệ đã vận dụng đúng luật nhất tam ngũ …

Đây là một ví dụ đặt ra là, luật nhất tam ngũ bất luận chưa ổn. Phải chăng nên dùng nhất tam thôi. Nhưng luật này đã được chấp nhận nên nhà cháu cũng không dám qui định cho khắt khe hơn theo ý mình. Trong quá trình áp dụng, nếu thấy không ổn thì nên thay chữ khác.

Hai cặp đối của bác Lệ chưa chỉnh

Các chữ khác: tăn, trăng, tuyệt ở vị trí thứ 6, không được đổi thanh (nhị tứ lục phân minh)

Nhà cháu viết đến đây thì nhận được còm của bác levinhhuy như sau:

Nhà cháu phê bình bác D.Nhật Lệ, là tay đại bút mà ở đây lại “phá cách” quá cẩu thả. Và xin mạn phép “sửa mũ mấn” hộ bác ấy tí, nhá nhá!

Yên Trung hồ nước lưng chừng trời
Bát ngát một màu núi biếc thôi
Bồng đảo đôi gò nhô dậy sóng
Sơn ngư vài chú giỡn tung trời
Ban ngày tiếng vọng bầy chim hót
Buổi tối gương hồ ánh nguyệt soi
Tạo hóa khéo thay tài điểm xuyết
Thiên nhiên hùng vỹ đẹp bao vời!

Như vậy, dù không hẹn mà nên, bác levinhuy cũng nhận ra những lỗi mà nhà cháu đã nghĩ tới mà góp ý cho bác Lệ làm cho hai cặp đối hoàn chỉnh và sống động hẳn lên, dù rằng bác huy không có ý kiến nào về câu 1

9. Bác Cục Đất gửi bài cuối cùng tính đến 23 h10 ngày hôm nay

Có tội tình chi một cái hồ
Người ra sức bịp kẻ tung
Non xanh nước biếc như tiên cảnh
Danh hám lợi thèm rõ đứa thô
Đôi gò bồng đảo trời trác tuyệt
Một kiếp phàm nhân mó máy vô
Khen cho bác Thụy rành niêm luật
Trách khéo gã Hoàng lại quá phô.

Bác Đất viết phóng, mà hay. Tuy nhiên câu 5 và 6 bác lại thất niêm.

Ví dụ bác đảo đi một chút thì có phải hơn không:

Bồng đảo đôi gò trời trác tuyệt
Phàm nhân một kiếp mó mân vô.
.
Mặc dù hai câu của bác đọc nghe vẫn cứ vào như thường, nhưng niêm luật nó là thế, biết sao.

Còn mấy bài thơ viết dở hoặc thơ 4 câu, nhà cháu tạm gác lại đã. Đồng ý rằng thể Đường luật có cả thất ngôn tứ tuyệt, ngũ ngôn nhưng mấy câu này cũng sai luật nhiều. Nhà cháu mong có dịp nào đó bàn tới.

Nhà cháu không dám đánh giá thấp thơ bác nào cả vì hiểu các bác viết vội, phóng bút góp vui là chính. Thơ nhà cháu cũng còn non lắm.

Vì những nhận xét này nhà cháu viết vội trong thời gian ngắn, chỉ chừng 2 giờ nên không tránh khỏi sai hoặc sót nên các bác cứ bình tiếp ạ.

Nhà cháu không rành Đường luật lắm đâu nhưng mấy thứ cơ bản thì cũng hiểu lõm bõm. Nhà cháu nghe đồn, thơ Đường luật còn nhiều cái phức tạp lắm nên có bác nào cao thủ, khi đọc mấy lời bình này thì cũng thể tất cho. Nếu thêm những lời góp ý thì không gì bằng ạ.

17/11/2012

NTT

17 thoughts on “Cuộc “thi” Dịch văn xuôi ra thơ Đường luật ngày đầu tiên.

  1. Pingback: Tin Chủ Nhật, 18-11-2012 « BA SÀM

  2. Chân thành cám ơn 2 bác Nguyễn Tường Thụy và Lê Vinh Huy.
    Thế nhưng,hai bác có lẽ không biết là nhà cháu có chủ trương
    “phá cách” Đường luật từ lâu.
    Có điều là HNV.mà lại chẳng hiểu thơ Đường luật là gì thì kể ra
    cũng lạ thật nhỉ khi “phong thần” cho tay mơ HQT. ?

    • Trong bài, nhà cháu cũng đã nói rõ là các bác phóng bút mà. Nhưng ý nhà cháu khi bình là so với các yêu cầu của thơ Đường luật. Các bài phá cách vẫn có thể gọi là thơ Đường luật. Luật bất tam ngũ bất luận cũng là một kiểu phá cách. Nhưng phá cách tới mức nào thì không phải thơ Đường luật nữa? Câu này nhà cháu mời các bác bàn.

      • Bác Thụy ơi ! Xin mượn đất bác để gửi lên
        một bài thờ Đường phá thể mà tôi từng xử
        dụng khi làm thơ châm biếm :
        Chín ngư dân Việt chết oan ức
        thật đúng tin này là tin…tức
        mồng tám tháng giêng không thể quên
        xuân này tết Dậu lại thêm nhức
        Hồng quân Trung cộng giết dã man
        vô sản anh em phang tận lực
        đồng chí mà chi bắn pằng pằng !
        đại đồng chủ nghĩa nghe thấy nhục !

  3. Mong bác Thụy phân tích niêm luật bài thơ thần của bác Thuận ạ.

    • Ấy chớ, bác Đất chớ xui dại nhà cháu. Nhà cháu khiếp lắm rồi ạ. Bác đọc bài “Ông Hảo viết bài, ông Thụy bị chửi” chưa nhỉ.

  4. Ở đâu đó trên non Yên Tử, có cái hội gì đó tổ chức hội thảo hoành tráng về cái thơ gì đó e hèm thiền, mà lại chánh hiệu con nai phèn ngơ ngác là thể Đường luật. Cũng ở cái blog này, có mở ra cuộc “thi” mini về thơ Đường luật.
    Cuộc hội thảo ở trên đã được thiên hạ biết đến nhiều, với những tham luận của các bậc cây đa cây đề trong Hội nhà văn Việt Nam, theo đúng tinh thần thuở xưa, khi hồn cốt thơ Đường còn thịnh trị trên đất nước này: “Câu thơ thi xã, con thuyền Nghệ An”, xin phép không phải liệt kê liệt cẩu ra đây. Cuộc “thi” thơ Đường trong trang blog bỏ túi (nhét chưa đầy cái di động), chỉ trong một ngày đã có gần chục bài thơ đổ về phô chân dài dự tuyển.
    Đúng như bác chủ nhà đã nhận xét: Các tác giả dự thi ở đây đều phóng bút viết chơi, xong rồi nhấn Enter để gửi, chả có thời giờ đâu mà sửa chữa chỉnh trang. Ấy vậy mà bài nào được đăng ở đây đều chỉnh hơn thơ thần… kinh của bác Hoàng Quang Thuận nhiều. Hiện tượng gì vậy? Cớ chi mà các thi tài bỗng nở rộ và đồng hội tụ về tham dự cuộc thi he he nhảm này vậy? Chúng ta có thể mơ tới việc cùng nộp đơn đòi Nobel văn chương chưa?
    Mới hỏi có vài câu nhà cháu đã phải thụp đầu xuống để né mấy củ gạch từ phía các bác vèo đến củ sọ nhà cháu rồi, he he! Từ từ để nhà cháu thưa nốt nào, cái thể thơ Đường này, lũ chúng ta đều đã được học qua đâu từ hồi mũi thò lò ở bậc tiểu học, lâu ngày không dùng đến nên quên mẹ, muốn làm cho chỉnh cho hay cũng đếch được đâu. Dưng mờ cớ sao cái hội kia, vốn dĩ được nuôi bằng tiền thuế của dân, để chăm mỗi việc mần thơ văn tích tích tè tè mà cũng quên, và tệ hại hơn, họ còn quên luôn và ngay con bà nó những nguyên tắc sơ đẳng nhất của thơ Đường? Hỏi tức là đã hi hi trả lời, nên chi nhà cháu đề xuất ban tổ chức giải Nobel cần có thêm cái Nobel mặt dày cho các bác Hội nhà văn ta đồng ẵm giải, cải thiện chăn nuôi trồng trọt sao cho khỏi phải dùng đến phân hữu cơ trên cánh đồng thơ ca nữa ạ, xin hết!

  5. Pingback: Tin Chủ Nhật, 18-11-2012 | Dahanhkhach's Blog

  6. Pingback: NHẬT BÁO BA SÀM : TIN CHỦ NHẬT 18-11-2012 « Ngoclinhvugia's Blog

  7. Tâm phục lời bình bác Thụy đây.
    Từ Ba sàm dẫn…đến nơi này
    Gặp hôm “thơ dịch” vui mà múa
    Thần thánh không vào…thế đã hay.

  8. VỊNH HỒ YÊN TRUNG
    Yên Trung nước biếc quyện lưng trời
    Lòng người du ngoạn chút thảnh thơi
    Khen ai khéo vẽ đôi bồng đảo
    Để khách phương xa phải thốt lời

    Thấp thoáng trăng mờ, ngư giỡn nguyệt
    Tung mình con sóng gợn xa khơi
    Lắng nghe vang vọng hồi chuông đổ
    Yên Tử thần tiên cảnh, gọi mời.

  9. BÁC BA PHI GỬI THI TIÊN QUANG THUẬN

    Quang Thuận vui lòng post thi tiên
    Văn xuôi thi triển dịch thi thiền
    Thi đàn khai hội đang mong đợi
    Thiếu vắng thi tiên bỗng hóa phiền

    Hay ông chê hội thơ còm sĩ?
    Chẳng giải Nobel, cũng chẳng tiền!
    Niệm chú nam mô thần nhập xác
    Lên đồng phóng bút, bớ thi tiên!

  10. Pingback: Anhbasam Điểm Tin Chủ Nhật, 18-11-2012 | bahaidao2

  11. Đã lụt xem ra lút cả làng
    Đâu còn VĂN HỘI chốn cao sang
    Mon men giật giải đồ vô sỉ
    Tí tởn bưng bô lũ điếm đàng
    Thơ phú danh tiền sinh ngố ngọng
    Non thiền mây nước vẫn mênh mang
    Hoài thương thơ luật nên THI DỊCH
    Bợm chữ âu đành mượn bút phang !

  12. Pingback: Kết thúc cuộc “thi” dịch văn xuôi – nguyentuongthuy « Vô Ngã

Đã đóng bình luận.