9/12/2012 – Ngày oanh liệt của người yêu nước Thủ đô (kỳ 1)

9/12/2012 – Ngày oanh liệt của người yêu nước Thủ đô (kỳ 1)

NGUYỄN TƯỜNG THỤY

.

Ngày 9/12/2012 sẽ mãi mãi đi vào lịch sử như một sự kiện oanh liệt của những người yêu nước Sài Gòn – Hà Nội. Cuôc biểu tình tuy bị dập tắt nhanh chóng nhưng đã nổ ra, đầy mưu trí, dũng cảm. Họ bị bắt, bị đánh, bị giam giữ khi cất lên những tiếng hô phản đối nhà cầm quyền Trung Cộng gây hấn ở Biển Đông, khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Trong sự kiện này, nhà cầm quyền đã đi thêm một bước vô cùng nguy hiểm trong việc chà đạp lên luật pháp: đàn áp, bắt bớ, đánh đập, khám xét người bị bắt một cách hết sức trắng trợn, thô bạo và hung dữ, không có một cơ sở pháp luật nào.

Ở Việt Nam, cũng giống như các nước khác là có hiến pháp, có pháp luật, tuy còn nhiều điều bất cập. Thế nhưng, ngành công an, đươc coi là bảo vệ pháp luật lại chà đạp lên pháp luật một cách ngang nhiên nhất. Điều đó có nghĩa là, có những lực lượng đứng trên luật pháp. Khác với luật pháp được thể hiện bằng lời văn, chúng hành xử theo ý muốn cá nhân hoặc nhóm lợi ích, bằng chỉ thị miệng chứ không bao giờ bằng văn bản.

Có một điều chắc chắn là họ đã nhầm lẫn. Nhiều khi cuống lên, cách xử lý vốn đã ngu dốt, lại càng ngu dốt hơn. Những thập niên cuối của thế kỷ 19 và sang đầu thế kỷ 21 đã khác rất nhiều so với trước đó. Dù còn đau khắp mình, tôi cố gắng gượng dậy để ghi lại những gì còn nhớ được trong cái ngày gọi là oanh liệt, căm phẫn, hèn hạ, nhục nhã … tùy theo từng đối tượng, tùy theo họ xếp mình vào loại nào.

1. Cuộc biểu tình bị dập tắt nhanh chóng

Chuyện canh nhà và chuyện “mặt trận” đến vận động là những việc đã trở thành bình thường mỗi khi có lời kêu gọi biểu tình. Chỉ khác là lần này đoàn đến vận động tôi chỉ có mỗi một ông phó xóm và một ông phó cựu chiến binh xã chứ không đông đảo như những lần trước. Có lẽ họ đã chán. Tôi chỉ nói: Tôi biết các anh đến nhà tôi cho xong việc trên giao chứ các anh chẳng hy vọng vận động được tôi.

Xuống xe bus mới hơn 8 giờ, tôi lang thang đến Vườn hoa Lý Thái Tổ khá sớm. Nhìn quanh chỉ thấy bác Lê Hùng. Bác nói vừa ở Nhà hát lớn đến, ở đấy không thấy ai. Bác Lê Hùng đang có một cậu bám sát, bác giới thiệu với tôi đây là anh công an khu vực.

Vườn hoa Lý Thái Tổ đang có màn thể dục thể thao nào đó, thấy đám thanh niên đang nhảy nhót theo lời hô, âm thanh được phóng hết công suất, nhức óc.

Tôi bảo bác Hùng quay lại Nhà Hát lớn. Chúng tôi đứng ở vỉa hè góc ngã tư Ngô Quyền – Tràng Tiền phía Bờ Hồ. Trước thềm Nhà Hát Lớn lại thêm cảnh ca nhạc ầm ỹ. Lướt qua, thấy một vài tốp biểu tình lẻ tẻ. Tôi đã gặp được những người quen biết hoặc quen mặt. Công an chìm nổi rất nhiều. Một chiếc xe cảnh sát bắc loa yêu cầu chúng tôi giải tán. Một tay công an vác loa chĩa vào mặt mấy người bắt đi chỗ khác. Chúng tôi, người đi đi lại lại, người đứng yên, người cãi cự lại công an và an ninh.

Tình hình căng thẳng ngay từ khi chưa nổ ra biểu tinh. Linh cảm cho thấy cuộc biểu tình sẽ bị dập tắt.

Đám biểu tình đông dần. Đúng 9 giờ, đoàn người đột ngột đông hẳn lên, các băng rôn, biểu ngữ đồng loạt tung ra. Đoàn người lập tức di chuyển về phía Hàng Khay, những tiếng hô “Đả đảo Trung Quốc”, “Trường Sa – Hoàng Sa – Việt Nam” vang dậy. Tới ngã tư Hàng Khay – Hàng Bài một đoàn dân oan ém sẵn ào ra nhập đoàn. Mọi người đang hô chuyển sang vỗ tay vang dội. Trong đoàn dân oan, đáng chú ý có một chị chống nạng, đi tập tễnh cầm một băng rôn nhỏ bằng vải. Chị liên tục co vào giang ra, mỗi lần như thế, là một lần hô. Có lúc, chị ngã xuống đường, lập tức mọi người xúm lại đỡ chị dậy. Từ đó có một thanh niên luôn đi bên cạnh dìu chị.

Chúng tôi đi được hết Hàng Khay, vào Tràng Thi. Được chừng gần nửa giờ, đến siêu thị Nguyễn Kim thì rất đông quân sắc phục công an có, thường phục có ập vào bắt. Hẳn đây là vị trí chúng chọn sẵn. Khi ấy, tôi đang đi trên vỉa hè bên phải bỗng giật mình nghe tiếng: “Bắt người, bắt người”. Nhìn sang trái thấy một chiếc xe bus trờ đến từ lúc nào, quang cảnh vô cùng hỗn độn. Tiếng la hét, tiếng chửi, tiếng đe dọa ầm ỹ. Tôi băng sang hô: “Phản đối bắt người”. Chợt nhớ ra chiếc máy điện thoại của tôi đang để ở túi quần, liền quay lại cất vào chiếc cặp đeo trên người, kéo khóa lại. Xong, lại xông vào giành người của mình ra tiếp tục la phản đối. Một tên nói: “Phản đối thì cũng bắt luôn”. Tôi bảo: “Bắt thì không phải cưỡng bức, để tao tự lên xe (sự “tự giác” này khác hẳn khi bi chúng khiêng đi thẩm vấn ở trại Lộc Hà mà tôi sẽ kể sau). Tôi đến cửa xe thấy chật cứng. Loay hoay mãi không lên được vì việc giằng co giữa kẻ bắt người và người bị bắt chống lại. Một cháu gái (sau tôi mới biết cháu là sinh viên năm thứ 3) đang bị đẩy lên xe. Cháu nói: “Cháu có làm gì đâu mà các chú bắt”. Tôi bảo cháu: “Đừng sợ chúng nó, cứ lên xe đi cháu ạ”. Đợi chúng đẩy cháu lên rồi, tôi lên theo cháu trông chừng. Gói thuốc vừa bóc, bỏ vào túi áo ngực văng ra. Tôi quay lại định nhặt lên thì nó đã biến mất. Kịch bản lặp lại đúng như hôm 17/7 năm ngoái.

Quang cảnh trên xe vẫn tiếp tục hỗn độn bởi giằng co, xô xát, tiếng chửi bới giữa người bị bắt và cảnh sát, an ninh. Một giọng nói phẫn nộ: “Chúng mày làm tay sai cho Trung Quốc. Sau này nó chiếm được Việt Nam, chúng mày đừng hy vọng được nó sử dụng. Không bao giờ Tàu Cộng nó lại sử dụng kẻ phản bội chính nhân dân mình, đất nước mình đâu”.

Chúng tôi kéo cửa kính vẫy chào đồng đội còn lại. Tôi kêu tên nhà văn Thùy Linh: “Hãy thông tin ngay cho toàn thế giới biết nhé”. Thùy Linh mỉm cười, vẫy tay chào.

Lúc ấy là 9 giờ 30 phút. Chúng tôi kiểm quân, đếm được 24 người tất cả.

2. Trại Lộc Hà:

Trại phục hồi nhân phẩm Lộc Hà là địa chỉ quen thuộc của những người biểu tình. Xuống xe, chúng tôi đứng xếp hàng chụp ảnh lưu niệm. Xong chúng lùa chúng tôi vào phòng mà những lần trước chúng tôi đã từng vào. Phòng rộng mênh mông, ước chiều dài tên 20 m, chiều rộng trên 10 mét, treo biển là “Phòng chờ xử lý vi phạm”.

Chúng để chúng tôi nghỉ ngơi uống nước chừng 30 phút rồi kéo đến yêu cầu chúng tôi đi làm việc. Chúng tôi kiên quyết không đi, đấu lý rất căng. Một tay cầm giấy bút gặp từng người hỏi tên. Không ai trả lời.

Chúng quay ra, chắc là bàn bạc. Lúc sau lại kéo đến. Lần này chúng đổi chiến thuật. Khi nãy chỉ người hỏi tên, giờ thì gọi tên tìm người:

–    Ai là Nguyễn Văn Phương nhỉ?

Im lặng.

–    Ai là Hà Huy Sơn nhỉ?

Làm gì có luật sư Hà Huy Sơn ở đây. Từ sáng, tôi cũng chẳng nhìn thấy anh đâu. Chắc là cái tên Hà Huy Sơn đã ám ảnh chúng.

Mọi người cười ồ:

–    Về phát lệnh  truy nã mà tìm.

Chiến thuật này thất bại. Chúng lại quay ra.

Chúng lại gọi cơm hộp như những lần trước. Thúy Hạnh động viên mọi người ăn để lấy sức chiến đấu. Người thì ăn, người thì không. Xong nghỉ ngơi, nói chuyện, động viên nhau. Tôi dành nhiều thời gian hơn nói chuyện với cháu sinh viên cho cháu an lòng.

1 giờ, đám công an lại kéo đến. Hẳn là chúng xin được chỉ thị của thượng cấp nên lần này cưỡng bức thẳng tay. Mỗi lần cưỡng bức một người, chúng tôi lại xúm lại giằng co. Tiếng la hét, tiếng chửi náo loạn cả phòng.

Nhưng chúng tôi làm sao chống lại được chúng nó khi quân chúng đông hơn chúng tôi, và tất nhiên là cơ bắp có thừa, chỉ thiếu nhân tâm và trí não.

Thế là chúng tôi bị bắt đi từng tốp, từng tốp một.

Nhóm bị bắt có 4 nữ. Sau Đoan Trang, Dương Thị Xuân và cháu sinh viên đi rồi còn lại mình Hạnh. Thấy có hai đứa nữ công an và thêm mấy đứa nam đi theo để giúp sức. Hạnh đang nói chuyện với tôi và Ngô Nhật Đăng, biết đến lượt mình, thanh thản đứng dậy:

–    Thôi em đi đây.

Tôi thấy trong lời chào của Hạnh có cái gì đó vừa lạ lại vừa quen, chợt liên hệ đến đoạn hồi ký “Anh Hoàng Văn Thụ ra pháp trường”. Sự so sánh này tuy khác về mức độ nhưng có một cái gì đó rất giống nhau: thanh thản và tự tin, không chút ân hận về việc mình đã làm.

Sau đó, Hạnh có tâm sự: “Lúc chào các anh em nghĩ đến câu thơ trong bài Sóng Côn Đảo của Anh Ngọc “Các đồng chí ở lại, tôi đi Hàng Dương”. Đấy là câu chào của người tù mỗi khi  bị đem đi xử bắn.

Em hay khóc, nhưng không hiểu sao những lúc tranh đấu em thấy mình thật mạnh mẽ, chẳng chút yếu đuối. Trước Đức Phật em không dám nói dối, nếu lúc ấy chúng lôi em đi bắn em cũng không mảy may sợ hãi. Đời người ai cũng chết một lần, được sống bằng ấy năm trên đời là một ân huệ rồi“.

Lần này có hai điều khác so với lần trước. Một là chúng cho xe phá sóng áp sát phòng nhốt chúng tôi nên suốt thời gian trong trại, chúng tôi không liên lạc được với ai. Thông tin trong ra và ngoài vào bị bưng kín. Trong trại, tôi không làm sao biết được sau khi chúng tôi bị bắt thì cuộc biểu tình có tiếp tục được không. Cuộc biểu tình của đồng bào Sài Gòn như thế nào, có nổ ra được không.

Hai là chúng thẩm vấn xong ai thì không cho quay lại phòng chờ mà đuổi thẳng ra ngoài cổng, muốn đi đâu thì đi nên chúng tôi không biết được chúng đã làm gì, với những ai.

Sau khi ra hết, chúng tôi mới biết được là với tất cả, chúng khám xét rất kỹ, bắt lăn tay. Ai chịu lăn tay? Ai ký vào biên bản lấy lời khai? ai ký vào biên bản xử phạt hành chính? Những điều này chưa hỏi từng người được.

Được biết, khi bắt ở Tràng Thi, Nguyễn Văn Dũng và Nguyễn Văn Phương bị đánh. Trương Văn Dũng sau khi làm việc xong, chúng đã thả ra nhưng rồi bắt lại. Hai lần, lần nào anh cũng bị đánh. Trường hợp bị đánh tôi chưa nắm được hết.

Phản biểu tình ở Nhà Hát lớn

Xe phá sóng áp sát phòng chờ xử lý “vi phạm”

Tư thế của những người bị bắt vào trại phục hồi nhân phẩm Lộc Hà

Công an áp đảo những người bị bắt

Tác giả tại phòng chờ xử lý “vi phạm”

Chị dân oan tập tễnh đi biểu tình

11/12/2012

Nguyễn Tường Thụy.

(Còn tiếp)

22 thoughts on “9/12/2012 – Ngày oanh liệt của người yêu nước Thủ đô (kỳ 1)

  1. Chờ đợi bài của anh mãi!
    Anh Thụy ơi xúc động quá, tôi vừa đọc vừa khóc. Ở xa quê nhà quá mà thấy bất lực vô cùng…lại càng thương yêu và cảm phục các anh các bạn trẻ. Chắc nhiều người đang đọc bài của anh cùng tâm trạng như tôi? Ứa nước mắt trong tự hào xúc động! Anh cũng cẩn thận giữ mình, bọn chúng đã lộ hết những bộ mặt bán nước và cũng có thể giở nhũng trò khốn nạn nhất với những người yêu nước anh ạ. Cầu mong các anh và các bạn trẻ bình an.

  2. Không còn gì để nói thêm về cái cay đắng của một dân tộc đang bị dồn đến bước đường cùng… Đọc bài trên BBC về sự dọa dẫm của Hoàn cầu thời báo càng đau đớn hơn. Ôi, bác Thụy ơi…

  3. Pingback: Tin thứ Tư, 12-12-2012 « BA SÀM

  4. Xin trân trọng cúi đầu khâm phục bác Thụy và tất cả anh chị em, xin được nói lên tiếng cám ơn,lời cám ơn không bao giờ quên

  5. Sáng 11 được mời đi cafe mới biết mình không bị vô trại do A.N HK hỏi BG có bắt không nhưng tôi đã được ” bảo lãnh ” tạm tha. Cám ơn các bạn đồng hành cùng tôi sáng 9/12 đã làm nên trang sử sử đấu tranh chống bọn xâm lược và bán nước.

  6. Pingback: Tin thứ Tư, 12-12-2012 | Dahanhkhach's Blog

  7. Mong các bác chân cứng đá mềm. Con đường giữ nước còn nhiều chông gai lắm các bác ạ. Thứ nhất : bị chính quyền khủng bố, bắt bớ, xuyên tạc, đấu tố…vì sao thì mọi người đều hiểu cả rồi. Nhưng theo tôi điều này chưa phải là điều đáng sợ nhất đâu.
    Sợ nhất là do bị tuyên truyền dối trá của chê độ quá lâu nên lớp trẻ thờ ơ với vận mệnh đất nước điều này thật nguy. Các bác sao thi tôi không rõ. Chứ con tôi, chúng nó y như đảng vậy. Nó theo chủ nghĩa mạc kệ nó đã có đảng và nhà nước lo. Tôi chỉ còn biết tự trách mình mà thôi…chính tôi day chúng nó là đảng cộng sản là tất cả mà- thằng thứ hai bị tôi chưởi suốt ngày vì không phấn đấu vào đảng……để giờ này, khi sự thật phơi bày tôi mới thấm thía, muốn chúng nó quay lại với truyền thông, với dân tộc thì đã muộn.
    Tôi thật ngưởng mộ và rất cảm phục cha con Huỳnh Thục Vy, cha con anh Đào Tiến Thi nhất vì có lớp kế thừa. Sau đó đến vợ chồng bác Khánh-Trâm, vợ chồng bác Thụy đồng vợ đồng chồng.

  8. Đọc bài của anh tôi thấy xót xa quá. Chẳng hiểu sao trước họa xâm lăng, người dân biểu tình phản đối quân bành trướng thì lại bị đàn áp, khống chế cả nổi lẫn chìm. Đối nội là thế, đối ngoại thì chỉ phản đối chiếu lệ như chuồn chuồn chấm nước.Tôi buồn không biết đất nước này đi về đâu?

  9. Pingback: Anhbasam Điểm Tin thứ Tư, 12-12-2012 | bahaidao

  10. Trong những ngày qua, theo dõi mọi diễn biến đã xảy ra trên Quê Hương Việt Nam, hai cuộc biểu tình ở Sài Gòn và Hà Nội, nghe Cụ Lê Hiền Đức trả lời phỏng vấn từ RFI, nghe Giáo Sư Tương Lai qua RFA, nghe giọng hét thất thanh của Chị Minh Hằng trong clip video, đọc bài của Anh Đào Tiến Thi, giờ đọc bài của Anh Thụy tôi nghe xót xa, xúc động, bùi ngùi, … xin cho tôi được chia sẻ nỗi đau về cả thể xác lẫn tinh thần với Các Bạn!
    Qua Anh Đào Tiến Thi: “Có những việc biết rõ là nguy hiểm nhưng không thể không làm. Nếu mình không đi thì ai đi? Hy vọng giữ được nước bây giờ thực ra chỉ còn vài phần trăm thôi, nhưng còn làm được gì thì vẫn phải làm”. Cho đỡ tủi hổ.”
    Còn Anh Thụy thì: “Và lại sẵn sàng cho cuộc biểu tình chống Tàu Cộng tiếp theo.”
    Thật sự mà nói, tôi xin bái phục các Anh Chị Em và các bạn. Đất nước mình sẽ không thể mất được bởi vì vẫn còn có các Anh! Nhìn các Anh phải dấn thân để đối đầu với bọn côn đồ thảo khấu đó, thử hỏi ai mà không tím ruột bầm gan?
    Trong một clip video, có tên côn đồ giật cờ rồi chuyền tay cho đồng bọn giấu đi thì đủ biết chúng làm việc cho ai? Tôi chợt nghĩ đến tác giả của bài hát với câu hỏi không thể sai, anh là ai… mà tôi đã làm điều gì sai?

    Yêu nước là nghĩa vụ thiêng liêng của một công dân.
    Không ai có thể yêu nước thay cho kẻ khác!
    Nhiệm vụ bảo vệ đất nước là trọng trách không thể thiếu của một con dân Việt Nam và những hành động hy sinh vì Tổ Quốc luôn luôn được ca ngợi!
    Trái tim tôi vẫn luôn hướng về Tổ Quốc và Các Anh!
    Viết trong nỗi đau dày vò của một người xa xứ nhưng Tổ Quốc vẫn bên tôi!
    Hưng Lê – Boston

  11. Mấy ông mấy bà đi biểu tình thật là dở hơi vì các ông các bà chẳng hề nắm rõ tình hình và bản chất của nhà nước ta, Đảng ta một chút nào cả. Mời các ông các bà đọc cho rõ nội dung sau đây rồi hãy ăn năn sám hối cho những việc làm biểu tình vô ích của mình đi là vừa đấy. Đồ bọn phản động dở hơi.

    CHXHCN VN ta có độc lập – tự do – hạnh phúc thật sự nên Đảng và nhà nước ta phải nhượng bộ sau khi Tòa Án “Nhân Dân” Tối Cao xử phần thắng nghiêng về cho ông Nguyễn Tường Thụy, các cựu chiến binh và Nguyễn Chí Đức đứng ra thành lập đảng đối lập nhầm cạnh tranh lành mạnh với đảng CSVN, hầu giúp hộ VN có 1 sân chơi chính trị công bằng và vì dân.

    Sở Văn Hóa Thông Tin thành Hồ cấp giấy phép cho nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh cùng nhà báo Đoan Trang được sở hữu 1 tờ báo tư nhân, ngoài ra sở VHTT thành Hồ còn cấp giấy phép cho nhà thơ Đỗ Trung Quân thành lập 1 đài truyền hình tư nhân. Vui quá vui.

    Còn nữa ông hán nôm Nguyễn Xuân Diện và bà Phương Bích được chủ tịch nước đích thân gọi điện thoại đến nhà để mời ông, bà này vào phủ chủ tịch nhận huy chương khen thưởng vì họ có công với Đảng và nhà nước trong việc kêu gọi người dân biểu tình chống Trung Cộng xâm lược. Dân VN được sống hạnh phúc “không” cần ăn bo bo ăn độn, “không” cần sắp hàng dài mua nhu yếu phẩm tem phiếu, “không” có nạn thuyền nhân chết vất vưỡng trên biển vì hải tặc cá mập sóng gió, không có nạn Kinh Tế Mới hay Đánh Tư Sản kinh hoàng làm khổ dân ở miền Nam sau ngày 30/4/1975. Không có việc Đổi Tiền cào bằng giai cấp, làm nghèo ở miền Nam như bọn phản động xuyên tạc.

    Dân VN sống có con c., họ có co c. ngôn luận nhất nhì thế giới, có tự do biểu tình chống Tàu khựa xâm lược được Đảng và nhà nước ta ủng hộ khen ngợi khuyến khích trên báo đài. Báo chí đài nước ta đăng tải công khai hoan nghênh những người biểu tình chống Tàu Cộng.

    Việc bà biểu tình viên Bùi Thị Minh Hằng, dân oan ở Mai Xuân Thưởng và cụ bà Hà Thị Nhung ở Thanh Hóa đi khiếu kiện đều được Đảng ta tận tình chiếu cố giúp đở, nhạc sĩ Việt Khang được Đảng mến yêu khen thưởng nhiều bằng khen. Đồng chí tổng bí thư kính mến Nguyễn Phú Trọng đích thân đi xe đạp (chứ không muốn ngồi xe hơi máy điều hòa tốn kém tiền thuế của dân) đến tận nhà trao bằng khen cho cụ Lê Hiền Đức vì bà cụ có công lao giúp hộ nhà nước và Đảng chống tham nhũng thành công tuyệt đối.

    Nhà báo Hoàng Khương buồn lòng nên tự vào tù ngồi vì ông ta không có gì viết về tiêu cực tham nhũng ngoài xã hội vì xã hội ta quá liêm chính trong sạch, không còn tham nhũng nên không còn đề tài để viết, ông ta thất nghiệp không có cơm ăn nên vào tự nguyện tù có cơm ăn.

    Đồng chí X Nguyễn Tấn Dũng lo cho dân và “tự” muốn từ chức mà dân “không” muốn, Đảng “không” muốn.

    Dân oan Văn Giang được các đồng chí lãnh đạo lắng nghe và giải quyết tận tình hợp tình hợp lý, anh em Đoàn Văn Vươn được Đảng và nhà nước cho miễn án tù về vui với vợ con hạnh phúc vui vẽ, nghe đâu bà vợ ông Vương có thêm 1 đứa con sau khi ông Vương được tha bổng về nhà đoàn tụ với vợ con. Nước ta trong sạch liêm chính không có tham nhũng hối lộ được ghi vào sách kỷ lục Guiness.

    Tin giờ chót đồng chí thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra thông tư khen thưởng 1 triệu đồng tiền mặt cho bất cứ ai nộp đơn vào ngành cảnh sát giao thông sau khi có hàng loạt cảnh sát giao thông bỏ ngành vì không còn có thể tham nhũng vì xã hội chúng ta quá trong sạch, luật pháp nghiêm minh. Đấy xã hội thiên đường của ta là vậy, thử hỏi thì than thân trách phận cái nổi gì.

  12. Pingback: Nguyễn Tường Thụy – 9/12/2012 – Ngày oanh liệt của người yêu nước Thủ đô (kỳ 1) | CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT QUỐC GIA – HOA KỲ

  13. Pingback: NHẬT BÁO BA SÀM : TIN THỨ TƯ 12-12-2012 « Ngoclinhvugia's Blog

  14. Pingback: Tin thứ Năm, 13-12-2012 « BA SÀM

  15. Pingback: 9/12/2012 : NGÀY OANH LIỆT CỦA NGƯỜI YÊU NƯỚC THỦ ĐÔ (Nguyễn Tường Thụy) « Ngoclinhvugia's Blog

  16. Pingback: ***TIN NGÀY 13/12/2012 -Thứ Năm « ttxcc6

  17. Pingback: Tin thứ Năm, 13-12-2012 | Dahanhkhach's Blog

  18. Pingback: NHẬT BÁO BA SÀM : TIN THỨ NĂM 13-12-2012 « Ngoclinhvugia's Blog

  19. Pingback: Anhbasam Điểm Tin thứ Năm, 13-12-2012 | bahaidao

  20. Pingback: Chép sử Tháng 12-2012 « VIỆT SỬ KÝ

Đã đóng bình luận.