Archive | 15/12/2012

‘Cướp Sài Gòn, dân Thủ đô’…

Cho dù đứng cạnh nhau, cụm từ rất khập khiễng này hoàn toàn không phải là ‘cặp đôi hoàn hảo” trong cái vũ điệu quay cuồng của thời kim tiền. Nhưng hệ lụy của nó mang lại, khá giống nhau. 
Nổi lên trong tuần này, liên tục báo chí đưa tin, như một hồi còi báo động gay gắt- nạn cướp giật tại Sài Gòn. Đỉnh điểm của thảm trạng này, là vụ cướp kinh hoàng dưới chân cầu Phú Mỹ (Q. 2). Nạn nhân là một cô gái đi xe SH bị mã tấu chém gần đứt lìa cánh tay, trước khi bị cướp giật. 
Tiền trảm, hậu…cướp 
Đây không phải là thủ đoạn mới mẻ. “Phong cách” tiền trảm, hậu…cướp (của), giờ đây đã mang tính “bản sắc” riêng của các băng cướp máu lạnh, chuyên sử dụng các loại vũ khí như mã tấu, dao phay, dao găm… Cô gái đã được cấp cứu kịp thời, nối liền cánh tay. Còn ký ức bị cướp, bị chém bi thảm, chắc chắn ám ảnh cuộc đời cô không biết bao giờ mới đứt rời. 
Đọc các thông tin kinh hoàng về cách gây tội ác của các băng cướp giật, người ta chợt nhận ra, lứa tuổi cướp giật, cung cách cướp giật, đối tượng và tài sản cướp giật… giờ đang có xu hướng trẻ hóa, hiện đại hóa, và cũng “hiểu biết hóa” hơn rất nhiều. 
Có những tên cướp tuổi đời quá trẻ, chỉ mới 16 và 14 tuổi. Như trường hợp hai tên cướp dùng dao cắt cổ người lái xe ôm, đoạn đường Lê Văn Khương (ấp 5, xã Đông Thạnh, Hóc Môn). 
Cướp của người Việt chưa chán, giờ đây, chúng cướp cả khách “tây”, một hiện tượng trước đây hiếm gặp. Như đôi khách du lịch người Hồng Kông, bị cướp sạch khi đang dạo phố tại Q. Bình Thạnh. Không một xu dính túi, mất hết giấy tờ tùy thân, họ phải ở nhờ nhà dân, bán bưu thiếp kiếm sống qua ngày. 
Một người trong họ đã thốt lên kinh hoàng: Tôi đã đến nhiều nước, nhưng phải nói thẳng, nạn cướp giật ở TP.HCM ghê gớm quá! Sau phát ngôn đó, thì ấn tượng về Việt Nam nói chung, Sài Gòn nói riêng trong mắt bạn bè quốc tế sẽ thế nào đây? 
Không thứ “quảng bá” du lịch Việt Nam nào có thể… cay đắng, xấu hổ đến thế! 
Cướp giật thì ở quốc gia nào cũng có thể xảy ra. Càng văn minh, hiện đại, phong cách cướp giật càng …điệu nghệ và mang tính kỹ thuật- công nghệ điêu luyện. Có điều, hiện tượng cướp giật xảy ra với cường độ mạnh, tốc độ nhanh, dồn dập, liên tục khiến không chỉ người dân, mà chính quyền TP. HCM hết sức lo lắng. Dù trước đó, ngành chức năng đã tuyên bố “tuyên chiến”. 
Nói cho công bằng, đại nạn này cũng vẫn là “con đẻ hư đốn, bất trị” của xã hội. 
Có thể bắt đầu từ hiện tượng khủng hoảng kinh tế. 
Cơn khủng hoảng diễn ra diện rộng trên toàn cầu. Có điều, phản ứng hay hệ lụy của nó rất khác nhau, tùy thuộc vào đặc điểm hình thái, trình độ quản lý, thiết chế pháp luật xã hội khác nhau. 
Trong Báo cáo về việc làm trên thế giới năm 2012, do Tổ chức Lao động quốc tế của Liên Hợp Quốc công bố tại Genève (Thụy Sĩ), ngày 30/4 cho biết, từ năm 2010 đến 2011, số vụ bất ổn gia tăng tại 57/106 nước thuộc diện phân tích. Khu vực dưới sa mạc Sahara ở châu Phi, Trung Đông và Bắc Phi bị ảnh hưởng nhiều nhất. 
Trước đó, theo tờ TBKTSG ngày 8/12/2011, nghiên cứu của TS. David Stuckler (ĐH Cambridge- Anh quốc) năm 2008, năm bắt đầu xảy ra khủng hoảng kinh tế cho thấy, tình trạng tự tử tại các nước châu Âu gia tăng. 
Cụ thể, năm 2009, tỷ lệ này lên ít nhất 5% so với năm 2007. Tại Anh, tăng thêm 10% (so với năm 2008). Còn ở hai quốc gia khủng hoảng nặng nhất là Hy Lạp, và Ireland, tỷ lệ này là 17% và 13%. 
Ở ta mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đến tháng 9/ 2012, đã có gần 49.000 doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động… Đi kèm con số hàng nghìn doanh nghiệp giải thể, sẽ có hàng trăm nghìn con người bị thất nghiệp, không có việc làm. 
Nhàn cư vi bất thiện, không phải người lao động nào thất nghiệp cũng hư hỏng. Nhưng rõ ràng, không có việc làm, không có thu nhập, tất yếu dễ xô đẩy “một bộ phận” người lao động vào con đường tha hóa, phạm pháp. 
 Nạn cướp giật gia tăng gây hoang mang cho người dân 
Tệ nạn cướp giật trắng trợn, lộng hành, tệ nạn mãi dâm, trong đó, đặc biệt hiện tượng đồng tính nam tăng lên mạnh trong nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ massage liệu có phải là hệ lụy gián tiếp của khủng hoảng kinh tế không? 
Các tệ nạn này, còn được sự “tiếp tay” của cái gốc- giáo dục gia đình và nhà trường- lâu nay vốn yếu kém trầm trọng. 
Thủ phạm của các tệ nạn này, khi đối diện với những tệ nạn còn khủng khiếp hơn- tham nhũng ở xã hội, sự nhu nhược của luật pháp…, thì sự mất niềm tin, đạo lý, mất phương hướng sống chỉ còn là khoảng cách quá mong manh. 
Đặt trong một bối cảnh, các băng cướp giật giờ đây cũng rất am hiểu luật pháp, khi biết rằng chế tài cho loại tội phạm cướp giật cao nhất chỉ 3- 5 năm trong tù rồi trở về. Thì sự coi nhờn phép nước luôn nhãn tiền, trong khi con đường hoàn lương… mơ về nơi xa lắm. 
Nhất là mới đây, một quan chức ngành chức năng thừa nhận, nhà tù hiện quá tải. 
Đây là điều rất đáng lo ngại. Một trong những thước đo để người ta thừa nhận xã hội an bình hay ngược lại, là nhìn vào số… nhà tù, số tội phạm hoặc tù nhân. 
Xã hội Việt đang hội nhập. Tội phạm sẽ ngày càng đa dạng, được nâng cấp cả “trình độ, quy mô” về tính chất đê hèn, sự tàn bạo, cùng thủ đoạn và sự hỗ trợ của công nghệ, của kỹ thuật cao. 
Đã có quá nhiều kiến nghị xung quanh tệ nạn này. Người quyết liệt như ông Bí thư kiêm Chủ tịch một tỉnh nọ thì cho rằng cần “đày ra đảo” để biệt chúng. Người đặt câu hỏi vì sao không thành lập lực lượng phản ứng nhanh 141 như công an Hà Nội? Người nêu cần thay đổi luật vì nghiêm trọng là hành vi, chứ đâu phải giá trị tài sản bị cướp… 
Tất cả đều đúng. Nhưng nếu một khi con người không có việc làm, một khi giáo dục không được chấn hưng, một khi tham nhũng vẫn là “tấm gương xám xịt” cho cả xã hội phải nhức nhối soi vào, và một khi thần công lý vẫn bên tiền bên tội, bên nào …nặng hơn, thì người dân Việt sẽ còn phải nơm nớp sống chung vớitiền trảm, hậu…cướp. 
“Tiền” chạy, hậu… chức 
Cách đây không lâu, tháng 9/2012 Hà Nội vừa tổ chức kiểm điểm phê bình và tự phê bình theo tinh thần NQTƯ 4, được đánh giá là thẳng thắn, chân thành, xây dựng, nhất là ở ba vấn đề cấp bách là công tác cán bộ, quản lý đất đai, trật tự xây dựng được kiểm điểm nghiêm túc. 
Thì tháng 12 mới đây, tại cuộc họp của HĐNDTP, ông Trần Trọng Dực, Chủ nhiệm UB Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, có một phát ngôn thẳng thắn, đầy ấn tượng về việc thi và chạy để trở thành công chức Thủ đô thanh lịch: 
Bây giờ người ta nói dưới 100 triệu đồng không có chuyện đỗ đâu. Còn chạy vào đâu? Đó là chỗ trưởng phòng nội vụ các quận huyện. Nói đến đó là việc rất đau lòng của TP chúng ta, nhưng đây là thực trạng đang tồn tại. 
…Có trường hợp thí sinh làm bài không sai một dấu chấm, dấu phẩy so với đáp án. Điểm tối đa 100%, không trừ được một phẩy nào. Thử hỏi việc thi công chức như vậy thì chất lượng ra làm sao? 
Ông Trần Trọng Dực, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra thành ủy Hà Nội 

Nhưng xã hội không sốc nữa. Vì từ lâu, đi đêm “mua quan bán tước” là chuyện âm ỉ thường ngày ở huyện. Có điều, giờ đây được công khai chính thức từ phát ngôn của vị quan chức Chủ nhiệm UBKTTUHN, thì nó trở thành vị đắng phẩm cách (mượn ý của vở kịch Vị đắng tình yêu). Chả lẽ, nên gọi mùa thi công chức Hà Nội là mùa chạy? 
Xã hội không sốc nữa. Vì ngay tiếp sau đó, người ta lại đọc được câu chuyện hài hước: Để xin được chân tạp vụ nấu ăn tại Huyện ủy Vũ Quang (Hà Tĩnh), chị Phạm Thị T, trú tại huyện này, đã phải “chạy” 75 triệu đồng cho ông Nguyễn Thanh Sơn, cựu Bí thư Huyện ủy Vũ Quang (nay là Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Hà Tĩnh). Không biết trong đợt phê và tự phê, ông Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Hà Tĩnh này kiểm điểm “ra răng”? 
Chạy một “chức” nấu ăn mà phải mất 75 triệu đồng, thì chuyện 100 triệu đồng ở Thủ đô nhỏ như… con thỏ. 
Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Ban Tổ chức TƯ khi được phỏng vấn câu chuyện 100 triệu đồng, đã phải hỏi lại: Có 100 triệu thôi á? Hỏi lại, tức là ông- cựu quan chức Ban TCTƯ không tin. Con số 100 triệu thực tế phải lớn hơn rất nhiều. 
Chả cứ ông, người dân Hà Nội cũng không tin, từ lâu rồi. 
Dù vậy, để lôi ra ánh sáng không đơn giản. Ví như, cái chuyện Hà Nội chủ trương sẽ lắp camera tại các phòng thi công chức nghe có vẻ hay, nhưng cái chuyện đi đêm giữa hai kẻ chạy và được chạy, thì có camera nào soi được nhỉ? 
Tội hối lộ, ăn hối lộ vốn là thuộc tính con người. Những cái kết dành cho tội này, nặng hay nhẹ còn tùy thuộc vào sự nghiêm minh hay nhu nhược của pháp luật mỗi quốc gia, từ đời xưa. 
Bộ phim Tây Thi bí sử VTV3 đang chiếu, cái chết không tránh khỏi của cả dòng họ Bá Phỉ bởi cái tội ăn hối lộ và “bảo kê” cho kẻ hối lộ cho thấy chữ tham lớn bao giờ cũng gắn với chữ thâm… khủng. 
Còn trong thế giới hiện đại, mới đây, ở Algiêri, B.A- 48 tuổi, Chủ tịch Ủy ban Đô thị và Xây dựng (DUC) tỉnh Ain Témouchent (Tây bắc Algeria) vừa bị cảnh sát bắt quả tang khi đang nhận hối lộ 100.000 dinar (khoảng hơn 1.270 USD). 
Ông McKeeva Bush, 57 tuổi, làm Thủ tướng quốc đảo Caimans (một quần đảo tự trị thuộc VQ Anh, nằm ở vùng biển Caribe), cũng vừa bị cảnh sát bắt giữ do bị cáo buộc tham nhũng. 
Trong khi ở nhiều nước tư bản, những nhân vật tham nhũng, ăn hối lộ bị truy tố trước pháp luật, sao nó công khai, minh bạch thế. Như ở Nhật, Bộ trưởng Ngoại giao Seiji Maehara, 48 tuổi đã phải từ chức với lý do, năm 2005 đã nhận 250.000 yen từ một phụ nữ Hàn Quốc 72 tuổi. Do luật pháp Nhật cấm chính trị gia nhận tiền của người nước ngoài. Dù bà này sống ở Nhật, nói tiếng Nhật và điều hành một nhà hàng tại Kyoto. 
Ảnh minh họa 
Còn ở ta, lôi ra ánh sáng cái sự “đi đêm” sao khó đến thế. Phải chăng, có vấn đề lỗ hổng, khiếm khuyết của những quy định pháp luật. Phải chăng, cái cơ chế xin- cho nó có sự biến tướng và tàn phá đáng sợ nhân cách người Việt? 
Chả lẽ người Việt cứ mãi phải mang cái họ Sống chung: Sống chung với lũ, sống chung với cướp giật, sống chung với nỗi sợ, sống chung với giả dối, sống chung với tham nhũng…. 
“Tiền trảm, hậu… cướp” và “tiền chạy, hậu… chức” là hai hiện tượng khác hẳn nhau: Một bên, những kẻ dùng vũ khí giết người, một bên vũ khí là đồng tiền ma mị, êm ái. 
Một bên, người bị hại có thể bị mất tài sản, nguy hiểm đến tính mạng. Một bên, kẻ “bị chạy” ung dung trên ghế quyền lực, chả ảnh hưởng đến thanh danh. Thậm chí còn rao giảng đạo đức. 
Một bên, sự “giao dịch” cướp giật diễn ra cả trong đêm tối lẫn thanh thiên bạch nhật. Một bên, giao dịch đó, dù có diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật, cũng vẫn là “đi đêm”. 
Nhưng tác hại thì giống nhau, cướp bằng vũ khí, hay cướp “bọc tay nhung” đều làm băng hoại không thương tiếc niềm tin con người vào đạo lý xã hội. 
Thế giới đang đồn đoán, lo sợ ngày 21/12 sắp tới là Ngày Tận thế. 
Nhưng liệu có một Ngày Tận thế cho những kẻ cướp giật Sài Gòn, và những kẻ tham nhũng, ăn hối lộ (như chuyện thi công chức) đang nhởn nhơ hoành hành ở Hà Nội, và cả xã hội này không? 
Kỳ Duyên 
———— 
Tham khảo: 
Nguồn: VietNamNet

‘Cướp Sài Gòn, dân Thủ đô’…

‘Cướp Sài Gòn, dân Thủ đô’…

.

Cho dù đứng cạnh nhau, cụm từ rất khập khiễng này hoàn toàn không phải là ‘cặp đôi hoàn hảo” trong cái vũ điệu quay cuồng của thời kim tiền. Nhưng hệ lụy của nó mang lại, khá giống nhau. 

Nổi lên trong tuần này, liên tục báo chí đưa tin, như một hồi còi báo động gay gắt- nạn cướp giật tại Sài Gòn. Đỉnh điểm của thảm trạng này, là vụ cướp kinh hoàng dưới chân cầu Phú Mỹ (Q. 2). Nạn nhân là một cô gái đi xe SH bị mã tấu chém gần đứt lìa cánh tay, trước khi bị cướp giật.

Trương Văn Dũng đấu tranh trong trại Lộc Hà và bị đánh ra sao.

Trương Văn Dũng là người đấu tranh rất mạnh mẽ khi đối mặt với công an, trong trại Lộc Hà hôm 9/12/2012.
Sau khi chúng tôi được thả, qua hỏi han tình hình của từng người, tôi biết Trương Văn Dũng là người đấu tranh rất quyết liệt và là người bị đánh đau nhất, bị xúc phạm nhân phẩm nhiều nhất.
Tôi vẫn đau đáu viết một bài hoặc làm một clip về anh.
Hôm nay anh đến thăm tôi. Chuyện về anh, tôi từng được nghe nhiều người kể, nhưng tôi muốn anh trực tiếp kể cho bạn dọc nghe.
Khi đối mặt với công an, mỗi người có một cách đấu tranh khác nhau. Tôi tôn trọng cách đấu tranh của mỗi người.
Với Trương Văn Dũng, có người cho anh là manh động. Tuy nhiên, tôi cho rằng, sự bắt bớ đánh đập người biểu tình, hốt lên xe và giam cầm là manh động hơn cả. Sự việc này được lặp đi lặp lại dẫn đến nhiều cách phản ứng khác nhau của người biểu tình. Trước hành động bạo ngược, thú tính thì sự phản ứng nếu không được “lịch lãm” cũng là điều dễ hiểu. Tôi hoàn toàn không trách anh. Tử tế, lịch sự nên dành đúng chỗ. Chúng đang biến sự khác biệt về suy nghĩ thành lòng căm hờn của những người bị bắt bớ, đánh đập.
Thực hiện cuộc phỏng vấn này, tôi muốn nêu một tấm gương đấu tranh quả cảm, không khuất phục trước bạo quyền. Ngoài ra, có thể học được ở anh về những lý lẽ khi đấu tranh với công an. Dĩ nhiên là, noi đến đâu và học ở chỗ nào là tùy điều kiện, hoàn cảnh của mỗi người.

Các mã nhúng:

Mời các bạn xem clip Ở ĐÂY

15/12/2012

NTT

This entry was posted on 15/12/2012, in Báo chí.

“Mậu dịch” khẩu quyết cho nền dân sự

Hữu Lý phỏng vấn Nguyễn Hoàng Đức
PV: Hôm nay xin được hỏi anh về chủ đề khá thời sự, đó là ý nghĩa của hai từ “mậu dịch”. Gần đây, tôi thấy khá nhiều người khi nói chuyện thường nhả rơi hai từ này như một thán từ, như một giải pháp, hoặc như một chế giễu, hoặc là tất cả. Thậm chí thấy một đôi tình nhân tuổi hơi chín còn nói với nhau “em yêu kiểu đó là mậu dịch”, cô gái đã cười rất sung sướng. Vậy theo anh hai từ mậu dịch là thế nào?
NHĐ: Từ mậu dịch, nếu nhìn đơn giản, đó chỉ là cửa hàng hay chế độ mua bán bao cấp của nhà nước trước kia. Nhưng xét sâu xa, nếu bình chọn, nó sẽ là một khẩu quyết thuộc dạng tiền phong hay nhất để nhắm về chế độ dân sự – là giấc mơ được sống phong phú “trăm hoa đua nở” của con người. Đặc biệt với xã hội còn mang nặng dấu ấn phong kiến ở Việt Nam, làm gì cũng đòi vào biên chế để ăn cơm chúa múa tối ngày, muốn sống kiểu quan lại ăn trên ngồi chốc “một người làm quan cả họ được nhờ”, một mớ rau con cá cũng muốn lách vào chế độ tem phiếu để bày tỏ quyền hành. Đóng dấu công chứng cũng xếp hàng rồng rắn để biểu tỏ quyền lực con dấu của công quyền.
PV: Chữ mậu dịch có từ đâu thưa anh, đó có phải là sự dè bỉu những giá trị công nhân viên chức hay nhà văn cán bộ?
NHĐ: Hồi những năm tám mươi thế kỷ trước, xuất hiện câu nói “phở mậu dịch, kịch ti vi”. Câu này muốn thể hiện: kịch ti vi – cũng có nghĩa là kịch mậu dịch, nó dở như phở mậu dịch vậy. Muốn ăn một bát phở mậu dịch đã rất khó khăn, vì thường thì mậu dịch bán mỳ nhiều hơn là phở, có nghĩa là anh phải ở đẳng cấp một khu phố nào đó anh mới tới được hàng phở. Chẳng hạn, Hà Nội nhưng cũng có mấy loại: Hà Nội đun rơm là thứ dân nửa quê nửa tỉnh nhom nhem ngoại thành, ở đó có mỳ là may rồi, còn Hà Nội sâu hơn được gọi là “cột điện máy nước”, bên dưới cột đèn đi vào ngõ xóm có một máy nước công xuất lớn, người dân trông như nhà quê vẫn mang thùng ra gánh nước, ở đó cũng chỉ là quán mỳ. Phở ư? Dường như nó là một bài ca cao cấp được nhà văn Nguyễn Tuân phối bè ngôn ngữ trong những áng văn ly kỳ chỉ được bán ở những phố mà máy nước có thể gọi là máy nước khôn khi chúng biết đường bò vào tận nhà về sinh. Muốn ăn một bát phở ở cửa hàng mậu dịch, đầu tiên người ta phải xếp hàng mua vé hay tích kê bằng sắt, sau đó vòng sang xếp hàng lấy phở, thùng nước phở có thể gọi là “vô sản” hay niêu Thạch Sanh vì nó chẳng có gì trong đó, có mấy mẩu xương, thì khi nồi nước cạn lại được một hai xô nước máy đổ thẳng vào, cho thêm tí mắm, tí mỳ chính vào là đã có hai giấc mơ của trạn nhà mình. Một bát phở chẳng có tiêu chuẩn gì ngoài tiêu chuẩn tùy tiện phi tiêu chuẩn của mậu dịch. Nhưng với người Việt, thì được ăn đã là quí rồi, được ăn phở thì còn quí hơn, ngày trước người ta vẫn thường nói với nhau “đôi khi mong ốm để được ăn bát phở”. Vậy mà kịch ti vi dở đến mức người ta chẳng còn cách so sánh nào khác đồng đẳng hơn là ví nó với phở mậu dịch.
Ngành điện ảnh phim truyền hình và phim nhựa Việt Nam đã có nhiều cuộc hội thảo tìm ra nguyên nhân, và cuối cùng họ dứt khoát kết luận: phim yếu và dở bởi vì kịch bản văn học dở. Mà kịch bản thuộc về ai? Thuộc về các nhà văn thuộc hệ mậu dịch, vì ở Việt Nam chỉ là nhà văn chính thức khi đứng trong đội ngũ mậu dịch, và chỉ có nhà văn mậu dịch mới được viết kịch bản phim. Thế là người ta thấy sự liên thông của mấy thứ: phở mậu dịch, kịch mậu dịch, ti vi mậu dịch, điện ảnh mậu dịch, và nhà văn mậu dịch. Nói chung là tạo ra thứ nước phở mậu dịch chỉ là nước lã rót vào xương bò cũ, nhạt vô tận!
PV: Tại sao lại coi chữ “mậu dịch” là khẩu quyết đi tới nền dân sự?
NHĐ: Chúng ta phải đặt nền móng cho vài vấn đề cơ bản:
1- Có một quan điểm rất xác đáng gần đây rằng: người ta có thể chung tay làm việc gì thuộc chân tay như ba người khênh được hòn đá nặng, nhưng sản phẩm của trí óc như phát minh, sáng chế hay sáng tác một bài ca, nó không thể là sản phẩm cộng tác của hai bộ óc cùng một lúc. Một nụ hôn không thể của tập thể mà là của cá nhân.
2- Nhà nước là cơ quan quyền lực không thể làm kinh tế, vì vậy, người ta cần phải cổ phần hóa nền mới có thể phát triển kinh tế toàn diện được.
3- Một cửa hàng mậu dịch không thể nấu phở ngon, vì nó không có cơ chế để nấu bát phở.
4- Nhà văn là cây bút cá tính độc lập, người sáng tạo riêng rẽ, dù nhà văn có vào cơ quan nhà nước cho oai, thì cái quyền lực đó không thể biến thành tài năng của nhà văn được. Ngược lại trong đời sống kẻ phải quần tụ đi qua sa mạc hay bóng đêm thường là người yếu bóng vía.
5- Nhà nước sinh ra để quản lý, ngoài chức năng này ra, nhà nước làm gì cũng thất bại đơn giản vì anh đã làm sai chức năng chính của mình. Nhà nước dù muốn cũng không thể bán ra một bát phở ngon, bởi chức năng chính của nó là phô quyền lực, một bát phở ngon không cần quyền lực ở trong đó. Một bát phở đã vậy, thì một ca khúc, một bức tranh, một truyện ngắn hay một tiểu thuyết dù nhà nước có đồ sộ bao nhiêu cũng không thể thành công trong việc sáng tác cái không thể của mình.
Một xã hội muốn phát triển thịnh vượng theo các triết gia, dặc biệt là Aristote, là mọi người phải được phát huy hết mọi khả năng của tư duy cũng như sở trường của mình, muốn thế người ta phải xây dựng xã hội dân sự để trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng. Một xã hội chỉ yêu quyền lực, tức là chỉ yêu trò xếp ghế, ghế này chồng lên ghế kia, xã hội sẽ nghèo nàn, sơ cứng, và lạc hậu, vì chân móng của nơi xếp ghế quá hẹp không thể xếp lên cao. Thêm nữa xã hội đó sẽ gặp phải cạnh tranh sinh tồn gay gắt bởi vì, trong thiên nhiên khi cá ăn ở nhiều tầng thì mới đủ thức ăn, trái lại cá chỉ đòi ăn ở tầng “có ghế” sẽ tạo ra sự ăn thua chí tử.
Chỉ khi xã hội có khả năng trưởng thành, người công dân có pháp quyền bảo đảm, người ta không phải chen chân vào biên chế của hệ thống công quyền nữa, khi đó mới có được nền tảng dân sự cho mọi người, được tự do phát huy sở trường , tư duy và chính kiến của mình. Lúc đó xã hội có rất nhiều cạnh tranh, nhưng cạnh tranh để phát triển và tiến bộ chứ không phải cạnh tranh gay gắt một mất một còn để sống còn.
Khi người ta được phát triển hết cỡ, sẽ giầu có, sẽ vinh quang, và người ta không phải bấu víu vào sân rồng của nhà nước để vòi vĩnh nữa. Chính thế mà từ “mậu dịch” khi được nhắc đến như một khẩu quyết sẽ giúp người ta khao khát xây dựng xã hội dân sự, lúc dó dường như người ta được nói thẳng với các cán bọ viết văn làm thơ rằng: anh sáng tác ư? Thơ văn của anh hay hoặc là do được nhà nước cấp thẻ ưu tiên, như thể bán nước lã đun sôi được bao cấp điện và than vô tận, rồi thu tiền thật? Hoặc là tài năng của anh cũng chỉ là “phở mậu dịch” mà thôi. Cái này không phải tôi nói xấu anh đâu nhé, mà do nhiều hội nghị người ta đã tìm ra và chính thức tuyên bố “điện ảnh yếu là vì chỉ có mậu dịch được làm điện ảnh, và nó yếu là bởi kịch bản do các nhà văn mậu dịch viết như phở bán qua đường tem phiếu phát tích kê”.
PV: Không ngờ chữ mậu dịch lại có ý nghĩa sâu xa đến thế, nó mang cả ý nghĩa tiền phong của thời đại?
NHĐ: Thực ra nói chính xác, chữ mậu dịch đó phải bao hàm “giải thể mậu dịch”.
PV: Đúng thế! Khi nó được nhắc đến tức là nó được chú mục. Và chỉ khi chú mục, người ta mới có thể giải quyết vấn nạn về nó. Có đúng không anh?
NHĐ: Anh đã trả lời rồi còn hỏi tôi làm gì?
PV: Không! Đó là câu tôi bật ra từ những phân tích rất kỹ lưỡng của anh. Xin cám ơn anh!
NHĐ: Xin chào!
Hữu Lý thực hiện 14/12/2012
Hữu Lý gửi cho NTTblog

Tao chợt nhận ra mày

Đỗ Trường

Tao chợt nhận ra mày
Đứng ở một góc xa
Bằng tê lê điện thoại
Chỉ huy lính của mày
Bắt người dân yêu nước
Bắt những người biểu tình
Chống giặc Tầu xâm lăng.

Tao đã nhận ra mày
Thằng bạn học khi xưa
Mấy lần mày xung phong
Xuống biên giới phía Nam
Lên biên giới phía Bắc
Quần nhau với giặc Tầu.

Chiến trường đã tạm yên
Mày lại rời tay súng
Thi vào ngành an ninh
Lúc này tao vất vưởng
Trông như là giẻ rách
Mày kéo cổ tao lên
Hãy làm lại từ đầu
Mày là thằng bạn tốt.

Nhớ ngày còn đi học
Diễn kịch ở sân trường
Mày chỉ thủ những vai
Quang Trung và Lê Lợi
Tiên phong giết giặc Tầu…

Sao hôm nay lại thấy
Mày bụng bia trán bóng
Núp sau cờ, biểu ngữ
Những cụ già, em nhỏ
Và các bạn thanh niên?
Những tiếng hô vang dội
Như thiêu cháy giặc Tầu.

Lẫn trong tiếng thét ấy
Mày quát sai lính dưới
Cô lập những người già
Bẻ quặt tay đám trẻ
Tống cả lên xe thùng
Cho vào trại phục hồi.

Tao đã thấy rõ mày
Đang nhập vai Chiêu Thống.
Thật tình tao không hiểu
Ai làm mày đổi thay?
Có phải càng quan to
Tim mày sẽ nhỏ lại?
Hay vì những đồng tiền
Cho con mày đang học
Ở những tận London?
Hay là ngôi biệt thự
Mày đã nhận trước đây?

Hỡi thằng bạn thân ơi!
Tao rất muốn gặp mày
Chỉ để hỏi một câu
Người lính trận năm xưa
Còn hay là đã chết?
Tao không là thi sỹ
Nên chưa từng làm thơ
Nhưng tao nhìn hình mày
Uất ức bóp nghẹt tim
Thơ nó vọt ra đấy…
Nhưng tao vẫn không tin
Linh hồn mày đã bán
Cả cho lũ sài lang.

Đức Quốc ngày 13-12-2012
ĐT

This entry was posted on 15/12/2012, in Thơ.

Đảng Lao động VN – Đảng Cộng sản VN: Không chỉ khác nhau về cái tên

Đào Sỹ Quý
Hơn 80 năm của thế kỉ 19, dân tộc ta chìm đắm trong đêm dài nô lệ của Thực dân Pháp.
Đảng Lao động Việt Nam (ĐLĐVN) do Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, là Đảng duy nhất tập hợp, đoàn kết được cả dân tộc đứng lên chống giặc ngoại xâm và giành được thắng lợi, lập lên Nhà nước Cộng hòa dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Châu Á. Chỉ 5000 đảng viên thôi mà lãnh đạo cuộc Cách Mạng Tháng 8 thắng lợi. Điều đó nói lên lời của Cụ Hồ: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”; và xa hơn nữa “đẩy THUYỀN là DÂN và lật THUYỀN cũng là DÂN” là bất hủ.
Tiếp theo cuộc kháng chiến cứu nước lần thứ 2. Mặc dù do hoàn cảnh khách quan của lịch sử, nước nhà phải chịu sức ép từ hai phía của hệ thống chính trị thế giới mà ta phải “ đứng đầu ngọn sóng”, đẩy nước ta rơi vào hoàn cảnh một nước nghèo nàn, lạc hậu mà phải chống lại một thế lực siêu cường. Vậy mà ta vẫn thắng lợi.
Như vậy rõ ràng rằng, khi một Đảng hoặc một thể chế nào đó, vì lợi ích của Dân tộc, vì Tổ quốc trên hết, biết lấy dân làm gốc, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân thành một khối thống nhất xung quanh mình “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, thì “khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
ĐLĐVN không phải không có sai lầm, có những sai lầm để lại hậu quả nặng nề nhưng có thể khẳng định rằng: ĐLĐVN đã làm tròn sứ mệnh lịch sử của mình để non nước VN hôm nay về một mối trọn vẹn.
ĐLĐVN ngày xưa là thế. ĐCSVN ngày nay thì ngược lại. Trước nguy cơ xâm lược của bè lũ bành trướng ĐẠI HÁN một cách toàn diện về chính trị, quân sự, kinh tế, về cả sức khỏe giống nòi ngày càng thâm hiểu và trắng trợn; trước sự gặm nhấm từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc ta; thè lưỡi dài muốn liếm trọn Biển Đông, muốn biển của ta thành “ao nhà của chúng” khiến lòng dân căm phẫn ngút trời thì Nhà nước chỉ phản đối theo kiểu chiếu lệ “chuồn chuồn đạp nước”.
Hơn lúc nào hết, vận mệnh của Quốc gia lúc này là phải củng cố khối đoàn kết giữa Nhà nước với dân để chống quân xâm lược. Thế nhưng khi dân mới biểu tình, mít tinh với những băng rôn “ Hoàng Sa, Trường Sa là của VN”, “đả đảo TQ xâm lược” họ đã bị Công an chìm nổi đàn áp, khủng bố, bắt giam từ trong trứng nước. Vậy thì đến khi “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” họ phải đứng lên cầm súng tiêu diệt kẻ thù thì lực lượng Công an kia còn là công an “nhân dân” không? Hay là họ “VÌ NƯỚC QUÊN DÂN, VÌ THÂN PHỤC VỤ” tự biến mình thành lính bảo hoàng, lính khố xanh, khố đỏ của bọn bành trướng, tàn sát ngay đồng bào của mình hay sao?
Phải chăng Lê Chiêu Thống – Trần Ích Tắc đã hiển hiện nguyên hình. Lòng yêu nước của Dân tộc ta là có thừa, được vun đắp và kế thừa suốt bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước. Một khi như Cụ Hồ nói sẽ là “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết – Thành công, thành công, đại thành công”.
Nhưng thực trạng hiện nay trước họa xâm lăng họ lại muốn:
“ Chia rẽ – chia rẽ – đại chia rẽ” thì Đất nước này sẽ đi về đâu?
Cho nên ĐẢNG LAO ĐỘNG VIỆT NAM và ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM, không phải chỉ khác nhau về cái tên mà thôi!
Viết về ngày 09/ 12/ 2012.
CCB Đào Sỹ Quý.
Tác giả gửi cho NTT blog
This entry was posted on 15/12/2012, in Báo chí.

Mấy điều sơ đẳng về lãnh đạo, quản lý hợp tác xã

Mạc Văn Trang
Đang mệt thì có cậu S đồng hương đến thăm. Đang cảm động thì hắn bảo: em đến nhờ bác giúp cho một việc đây. Chả là em được “trên” giao cho phụ trách đám HTX. Qua nắm tình hình thấy việc quản lý, lãnh đạo HTX rất tùy tiện, gia đình chủ nghĩa, kiểu này khó phát triển và tồn tại lâu bền được. Em quyết định mở lớp tập huấn cho đám chủ nhiệm, phó chủ nhiệm HTX mấy cái ABC về lãnh đạo, quản lý một tổ chức cho có khoa học đàng hoàng.… Em dự định làm ba chuyên đề: Chuyên đề I là “Cơ sở khoa học của lãnh đạo, quản lý một tổ chức”, chuyên đề II “Cơ sở pháp lý của quản lý HTX”, chuyên đề III “Kinh nghiệm thực tiễn”. Cái chuyên đề I, em muốn nhờ bác giúp cho, vì hồi xưa em có dự lớp tập huấn về quản lý, nghe bác nói về Tâm lý học lãnh đạo, quản lý gì đó thấy cũng hay hay…
Mình bảo: Cậu này thế mà được đấy. Lãnh đạo, quản lý một tổ chức dù nhỏ như một HTX cũng phải có học hành tử tế nó mới chuẩn. Còn thành công cỡ nào lại phụ thuộc nhiều yếu tố. Nhưng mà tớ lạc hậu rồi. Bây giờ hội nhập quốc tế, tiến lên hiện đại, cậu phải mời mấy ông tiến sĩ, giáo sư ở các học viện quản lý về tập huấn mới kịp với xu thế chung của thời đại, chứ không thể nói mãi cái kiểu “luật lệ làng tôi nó thế”!…
S giãy nảy lên, HTX chúng em toàn loại “lông gà lông vịt”, kinh phí đâu mà dám mời các vị ấy, phải xe đưa xe đón phong bao khá nặng đấy. Em mời bác là vì… tình cảm đồng hương… Bác phải giúp em…
Mình bảo: Tớ chả ngại công sức hay tiền nong, chỉ sợ làm mất thì giờ của bà con mà vô bổ. Vì HTX có ăn lương nhà nước để họp nghe nói dông dài được đâu. Thì giờ của họ là tiền cả đấy. Nhưng sợ nhất là mình không hiểu người nghe cần gì, muốn gì, cứ lải nhải theo sách vở cổ lỗ, suy luận chủ quan lẩm cẩm, bà con cười cho, thậm chí chửi cho ấy chứ. Dân trí bây giờ gớm ra phết…
Hai thằng cứ nói qua nói lại, đùn đẩy một hồi, cuối cùng đi đến quyết định: mình cung cấp tài liệu cho S để hắn ta tóm lược “mấy điều sơ đẳng cốt yếu nhất”, làm chuyên đề I. Hắn bảo, em về nghiên cứu, chuẩn bị một tuần rồi sang trình bầy thử bác nghe, có gì tư vấn cho em nhá.
Mới được ba ngày S đã đến. Lần này không đi tay không mà vai đeo cặp, tay xách túi nilon đựng mấy quả cam, trông hắn cứ như học viên đến gặp thầy xin điểm. S tươi cười, có vẻ tâm đắc điều gì đó.
S bảo: Thế mà hóa hay bác ạ. Tự mình đọc sách, suy ngẫm cũng sáng ra khối điều. Bây giờ đứng trước bà con, cũng cảm thấy tự tin hơn…
Mình bảo: Thế là tốt. Cậu muốn lãnh đạo đám HTX ấy thì phải tạo ra uy tín. Uy tín tạo ra bằng hiểu biết, phẩm cách và kết quả thực tế, chứ không phải là quyền uy. Lãnh đạo bằng quyền uy, lấy quyền lực để điều hành thì sớm muộn cái tổ chức ấy cũng toi, hoặc là nó cho anh toi. Khi anh không còn uy tín mà cứ cố giữ lấy quyền lực, cứ chiềng cái mặt ra thì anh không chỉ mất uy tín, mà mất hết nhân cách. Thế nên những người có nhân cách lãnh đạo, khi thấy uy tín suy giảm, họ thường từ chức ngay, vừa để giữ nhân cách, vừa đỡ tổn hại đến uy tín của tổ chức… Bài học vỡ lòng đầu tiên đấy!
S bảo: Ối giờ, cái chức chủ nhiệm HTX quyền rơm vạ đá, có gì mà cấn cá. Khối anh có năng lực những nó không hám làm, em còn phải vận động nó đấy. Cái trò “trên” giao gì em cũng xung phong nhận tuốt, nhận mười việc làm hỏng chín mà vẫn hăng hái sẵn sàng không từ chối bất cứ nhiệm vụ gì, thì đó là loại khùng rồi. Với lại HTX bây giờ công khai, dân chủ lắm, không tù mù được đâu. Anh đã mất uy tín mà còn cố bám cái ghế cũng chả sống nổi với xã viên. Họ nói như vạc mặt ra ấy chứ.
Mình bảo: Thế là chuyên đề I ổn rồi chứ gì. Cậu vừa đỡ mời người, vừa tự mình giảng bài, oai hơn. Giảng hay lại tăng thêm uy tín…
S bảo: Chưa ổn đâu bác ơi. Còn lắm vấn đề vướng mắc phải trao đổi thêm. Trước hết tên chuyên đề mà bác bảo “Mấy điều sơ đẳng…” em thấy chưa ổn. Thời buổi này người ta đi học là phải đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, phải những là khoa học hiện đại, hội nhập quốc tế, thời cơ, nguy cơ, thách thức, đi tắt, đón đầu, nâng tầm cao mới… Đến sơ cấp, trung cấp người ta cũng chẳng thích học nữa là “sơ đẳng”! Thế mà tên chuyên đề là “Mấy điều sơ đẳng…” em thấy “yếu” quá. Ta phải nghĩ cái tên gì nó “hoành tráng” một tí cho hấp dẫn!
Mình hơi bực, bảo S: Thế cậu không nhớ, các cụ thường mắng “Chưa vỡ bụng cứt đã đòi bay bổng à”? Chưa biết tra từ điển đã thạc sĩ với tiến sĩ, chưa học làm người đã nhảy lên lãnh đạo, mà cứ nống mãi lên, không trách chết. Cậu muốn các HTX sống thật, làm thật, phát triển thật thì phải dạy các lãnh đạo HTX “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật”, chấp nhận sự thật để tìm cách làm từng bước cho chắc, làm việc gì phải cho đến nơi đến chốn. “Đổi mới” thành công từ đó. Nhưng thành quả sẽ tan rã, khi che giấu sự thật, làm liều, nói láo, sống bằng gian dối và bạo lực!
Hắn có vẻ xuống giọng: HTX “lông gà lông vịt” bọn em phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới làm ra được vài đồng; làm gì cũng phải rất thực tế, phải tính toán từng ly từng tí chứ đâu dám vung tiền xả láng như mấy ông doanh nghiệp nhà nước…
Mình bảo: HTX “lông gà lông vịt” hay một tổ chức to lớn, oai phong thì về bản chất lãnh đạo, quản lý cũng giống nhau cả thôi. “Cái chòi canh cá” hay lâu đài mấy chục tầng mà cốt lõi mọt ruỗng thì cũng đều sụp đổ. Có điều tòa lâu đài đổ xuống thì kinh hoàng hơn, ầm vang hơn… Nhưng mà thôi, không nói chuyện rông dài. Cậu cứ trình bày thật gọn, rõ một buổi, còn một buổi cho bà con thảo luận thoải mái, nêu thắc mắc, tranh luận, giải đáp… Học ít, tranh luận nhiều nó mới vào. Mà người học thường thắc mắc toàn những điều cơ bản, cốt lõi cả đấy.
Hắn giẫy nẩy lên: Cho thảo luận thoải mái tại chỗ có mà chết! Bác chả nói, dân bây giờ gớm lắm đấy thôi. Họ mà truy vấn đến cùng là mình bí. Bí mà nói lăng nhăng là chết. Em đi học, họp nhiều rồi. Họ cứ thuyết trình rồi cho về thảo luận tổ, ghi thắc mắc gửi lên rồi sau đó tùy cơ mà giải đáp. Hoặc là về nghiên cứu cá nhân, ai thắc mắc ghi ra giấy gửi lên. Dân mình thường có thắc mắc phải “nổ” ngay, chứ “ghi ra giấy” là ngại bỏ mẹ, tặc lưỡi cho qua… Mẹo cả đấy bác ạ.
Mình hơi thất vọng, bảo: Thế thì học làm chó gì cho mất thì giờ. Phát mẹ nó tài liệu cho người ta là xong. Học mà không dám tranh luận, cứ đối phó nhau thì chỉ tổ mất thì giờ lại thêm bực mình…
S cười hề hề, đấy là em nói tình hình chung, chứ đối với dân HTX chúng em thì vẫn thoải mái, dân chủ … Nhưng mà thảo luận cũng có nhiều cái em thấy lấn cấn. Ví dụ mấy nguyên tắc, em thấy hay, nhưng vận dụng cái ý “không có hai pháp luật, hai kỷ luật trong tổ chức” em thấy chưa rõ lắm…
Mình bảo: Cái này liên hệ thực tế là rõ ngay. Ví dụ: có hai xã viên HTX bắt trộm con vịt làm bữa nhậu mà bị đưa ra tòa xét xử, tù ba năm; trong khi phó chủ nhiệm HTX bán trộm cả con trâu mà chỉ “nghiêm túc kiểm điểm”, “xử lý nội bộ”; hay cô thủ quỹ HTX thụt két một trăm triệu, thì vừa phải bán tài sản hoàn trả lại tiền, vừa phải đi tù; còn chủ nhiệm HTX làm thất thóat hàng tỉ đồng, nhưng chỉ “kiểm điểm nghiên túc”, “xin lỗi” và nhận trách nhiệm “chính trị” rồi tiếp tục giữ chức; vân vân… Anh nắm quyền trong tay, anh làm bậy, anh bưng bít thông tin, rồi anh tưởng giải thích kiểu gì chẳng được. Nhưng xã viên “đi guốc trong bụng anh” cả đấy, ai còn tin anh, còn tin vào tổ chức của anh nữa? Trong HTX, nói rộng ra các loại tổ chức và cả xã hội mà anh lãnh đạo kiểu thực thi “hai đạo đức”, “hai pháp luật” là loạn niềm tin, rồi loạn tâm lý xã hội, dẫn đến đủ thứ loạn! Mà trong tài liệu cũng viết đấy, khi niềm tin đã không còn thì diễn biến tâm lý xã hội ra sao. Điều đó cậu cũng phải nhấn mạnh cho mấy tay chủ nhiệm HTX thấm thía.
S có vẻ tâm đắc, bảo: Tưởng gì chứ ví dụ thế thì em có vô thiên lủng. Nhưng còn các phương pháp quản lý, em thấy bác nêu ra: phương pháp hành chính, phương pháp kinh tế, phương pháp tâm lý xã hội, phương pháp giáo dục… mà bác coi “anh kinh tế” là số một, “anh giáo dục” có vẻ bị coi nhẹ…Em thấy liên hệ thực tế hơi bị vướng…
Mình bảo: Nếu thấy thực tế đang làm trái quy luật thì anh phải phân tích cho xã viên sáng tỏ, tin tưởng, đưa HTX đi đúng quy luật, chứ đừng dấn sâu mãi vào cái thực tế sai lầm do chính anh tạo ra… Cái “anh kinh tế số một” là cụ tổ sư Các Mác nói đấy chứ. Trong cạnh tranh thị trường, tổ chức nào năng suất thấp, hiệu quả kém là sớm muộn cũng tan. Cụ ấy còn phân tích: Trong mọi mối quan hệ, xét đến cùng, mối quan hệ kinh tế là quyết định nhất. Đằng sau các thứ ngôn từ sáo rỗng, hoa hòe hoa sói nọ kia, truy cho đến cùng đều bị quy định bởi lợi ích kinh tế. Bây giờ ông thử lấy ví dụ xem nào?
S cười tươi như anh học trò được thầy hỏi “trúng tủ”: Cái này có nhiều ví dụ “giật gân” lắm. Khối chuyện anh em ruột chỉ tranh nhau mấy mét đất mà đánh nhau, kiện nhau đấy. Rồi lừa bạn để cướp tài sản, giết người yêu lấy của… cũng là tiền xui khiến cả thôi. Cái gì cũng phải có tiền đi trước để “bôi trơn”!.. Muốn làm công chức Hà Nội phải một trăm triệu, báo gì vừa đăng…
Mình bảo: Cậu kể cái đó có mà cả ngày, làm buồn lòng người nghe. Vấn đề ở đây là phân tích các mối quan hệ trong tổ chức. Trong tổ chức có các quan hệ xã hội rất phức tạp: họ hàng, bạn bè, đồng chí, ân huệ, tình nghĩa … thường nể nang cất nhắc nhau, bênh che nhau… Vấn đề là, nếu những quan hệ đó làm anh lú lẫn, quên cả lợi ích của của tổ chức thì hỏng rồi. Đối với chủ nhiệm HTX bao giờ cũng phải đặt lợi ích của tổ chức trên hết. Còn khi người lãnh đạo đặt lợi ích của các nhóm “hẩu” với mình, anh em, họ hàng, đồng bọn của mình cao hơn lợi ích của tổ chức thì tất yếu gây chia rẽ, đấu đá, tan rã trong tổ chức. Mà đằng sau các quan hệ đó đều là sức nặng, nhẹ của tiền cả đấy.
S gật gù…, cái này vận dụng được. Nhưng về “phương pháp giáo dục”, em thấy bác coi nhẹ quá. Nêu gương, thuyết phục, phê bình … trong tổ chức là tất quan trọng…
Mình bảo: Thì quan trọng nó mới thành một trong những điều sơ đẳng, cốt yếu của lãnh đạo một tổ chức. Nhưng tuyệt đối hóa nó, coi giáo dục là “vạn năng” thì thật ngây thơ, hoặc giả vờ cao đạo. Bây giờ anh chủ nhiệm HTX để tình hình rối bời: kẻ thụt két của HTX, kẻ bán tài sản của HTX, kẻ lợi dụng dang nghĩa HTX đi vay nợ đầm đìa về tiêu xài vô tội vạ, kẻ cậy quyền thế hung hăng trấn lột xã viên lương thiện… Tình hình như thế lẽ ra anh phải dùng biện pháp hành chính để xử lý thật nghiêm, trường hợp nặng phải đưa qua bên hình sự xét xử; phải thu hồi lại những tài sản thất thoát; phải dùng biện pháp kinh tế để điều chỉnh lợi ích các nhóm trong tổ chức, phải kiên quyết lập lại kỷ cương của HTX… Đưa tất cả những lỗi lầm đó ra công khai, minh bạch trước đại hội xã viên để bà con mổ xẻ, phê phán và lựa chọn lại những người thực sự có tâm, có tài vào các vị trí lãnh đạo, quản lý để củng cố lại HTX… Đáng lẽ là thế. Nhưng anh chủ nhiệm chẳng biết làm gì, cứ kêu gọi xã viên hãy “bình tĩnh”, hãy “học tập, noi gương”…, mọi người hãy “phê, tự phê, tự ngẫm, tự nhìn lại mình”…; hãy “tiết chế lòng tham”, “nâng cao đạo đức”, “chuyển ác thành thiện”… hãy giữ “đoàn kết”, tránh để “kẻ xấu bên ngoài gây chia rẽ, đe dọa sự tồn vong của HTX ta”, “Phê và tự phê phải thật sự nghiêm khắc nhưng trên tình thương yêu đồng chí, tránh gây chia rẽ, thù oán”, “HTX ta phải quán triệt tính nhân văn XHCN”… Cứ lải nhải thế, xã viên nghe ngứa tai, lộn ruột, ai chịu được!
S có vẻ tâm đắc, bảo: thế là chủ nhiệm nhu nhược, thiếu bản lĩnh, vô hình trung lại đứng về phía bọn bất lương… Kỷ luật những cán bộ thoái hóa phá hoại HTX lại sợ “mất đoàn kết, gây bè phái, thù oán”, sợ “kẻ xấu lợi dụng, gây chia rẽ nội bộ”… thì HTX coi như tan mẹ nó chứ còn gì! Thế ngày xưa Cụ Hồ tử hình tay đại tá gì tham nhũng là không “nhân văn” sao? Để cứu HTX thì phải cho loại chủ nhiệm đó về vườn ngay!
Mình bảo: Phương pháp giáo dục hay tâm lý xã hội, xây dựng văn hóa của tổ chức rất quan trọng, nhưng tất cả những cái đó phải góp phần làm cho tổ chức dân chủ hơn, bình đẳng hơn, công khai minh bạch hơn, phân phối lợi ích công bằng hơn, pháp luật nghiêm minh hơn, đời sống xã viên ngày một tốt hơn, HTX có đường hướng phát triển rõ ràng, triển vọng… Chứ giáo dục suông, trong khi mọi thứ phản giáo dục cứ phơi bầy trần truồng ra trước mắt, thì đúng là trò cười, là tấn trò bi hài kịch.
S có vẻ suy tư, bảo: còn vấn đề phẩm chất, năng lực phong cách người lãnh đạo tổ chức…
Mình bảo: Thôi, cậu đưa bài soạn tớ xem, rồi mai trao đổi tiếp. Hôm nay tớ mệt quá. Mà nói chuyện tiêu cực mãi chán lắm. Phải nói mặt tích cực, ý nghĩa, giá trị, lợi ích của những điều sơ đẳng, cốt yếu trong lãnh đạo, quản lý một tổ chức để chủ nhiệm HTX hiểu, tin tưởng và vận dụng được. Đến lớp học không phải để kể chuyện tiêu cực… Học mà không đem lại những quan niệm mới, hiểu biết mới, niềm hứng khởi mới, cách làm mới thì học làm gì!
S cười hề hề, không ngờ chuyện lãnh đạo mấy cái HTX “lông gà lông vịt” bọn em mà cũng lắm vấn đề ra phết. Không trách chuyện quốc gia đại sự…
12/12/2012
MVT
Tác giả gửi cho NTT blog
This entry was posted on 15/12/2012, in Báo chí.

Trương Văn Dũng đấu tranh trong trại Lộc Hà và bị đánh ra sao

Trương Văn Dũng đấu tranh trong trại Lộc Hà và bị đánh ra sao.

.

Trương Văn Dũng là người đấu tranh rất mạnh mẽ khi đối mặt với công an,  trong trại Lộc Hà hôm 9/12/2012.

Sau khi chúng tôi được thả, qua hỏi han tình hình của từng người, tôi biết Trương Văn Dũng là người đấu tranh rất quyết liệt và là người bị đánh đau nhất, bị xúc phạm nhân phẩm nhiều nhất.

Tôi vẫn đau đáu viết một bài hoặc làm một clip về anh.

Hôm nay anh đến thăm tôi. Chuyện về anh, tôi từng được nghe nhiều người kể, nhưng tôi muốn anh trực tiếp kể cho bạn dọc nghe.

Khi đối mặt với công an, mỗi người có một cách đấu tranh khác nhau. Tôi tôn trọng cách đấu tranh của mỗi người.

Tiếp tục đọc