Bài tham gia cuộc “thi” dịch văn xuôi ra thơ Đường luật (phần 3)

Bài tham gia cuộc “thi” dịch văn xuôi ra thơ Đường luật (phần 3)

.

Đến bây giờ, sau 4 ngày phát động, “cuộc thi” đã nhận được 20 bài thơ  Đường luật hưởng ứng. Đây là con số không ngờ. Thoạt đầu, nhà cháu cũng chỉ nghĩ tếu táo cho vui vẻ chứ không dám nghĩ đến sự ủng hộ nhiệt tình của các bác. Và bây giờ là bài viết thứ 3, nhà cháu hầu chuyện các bác. Nhà cháu sợ để dồn cục lại, nhỡ ra bài thì bình, bài lại vội mà bỏ qua. Bác nào nhà cháu đều quí trọng vả.

15. Bác Hà Văn Thịnh ở Đại học khoa học Huế cũng gửi bài ra tham gia. Quả nhiên danh bất hư truyền.

Yên Trung tạo hóa tạc cơ đồ
Trác hạ ai người thích họa thơ
Mênh mông biển nước thông vờn nguyệt
Sóng sánh trời mây giỡn hồ
Suối nguồn khe đẫm, đôi bồng đảo
Trăng núi gió lùa, mấy tiếng cu
Nghe thấy chim gù không có bướm
Nghĩ nàng công chúa vẫn say mơ?

Câu câu 4, câu 6, mỗi câu có 3 chữ cùng dấu: lỗi chánh nữu (trong một câu, không được dùng nhiều chữ cùng âm hoặc chữ cái đầu).

Câu 3 có 3 chữ thanh bằng. Nhà cháu thấy với thanh bằng (không dấu và dấu huyền) thì 3 chữ cùng dấu không ảnh hưởng lắm nên không tính, tuy khi làm tránh được là tốt.

Chữ dùng của bác Thịnh rất có hồn, Cụm “sóng sánh trời mây” quả là tuyệt. Câu 7 và 8 thì tuyệt vời, đầy thâm ý và đọc lên không khỏi bật cười, thú vị như ta ăn một miếng ngon, cái dư vị cứ còn mãi đầu lưỡi.

Hai cặp đối chỉnh.

Bác Nhật Lệ có góp ý với bác Thịnh nên đảo cặp đối thứ nhất thành:

Biển nước mênh mông thông vờn nguyệt
Trời mây sóng sánh cá giỡn hồ

Nếu đổi đi như thế, bài này sẽ bị thất niêm. Nhưng nhà cháu bỏ riêng hai câu này ra khỏi bài để bàn.

Bác Lệ đề nghị đổi lại như thế, nhà cháu thấy thuận vầ ngữ pháp hơn. Nhưng nhà cháu lại tính khác. Xin cho phép nhà cháu lan man một chút:

Vua Tự Đức là ông vua hay chữ, có cặp đối như sau, ông lấy làm đắc ý lắm:

Tử năng thừa phụ nghiệp 
Thần khả báo quân ân

(con nối nghiệp cha, tôi đền ơn vua)

Cao Bá Quát sửa lại như sau:

Quân ân thần khả báo 
Phụ nghiệp tử năng thừa

(Có tài liệu nói là vua Minh Mạng và Nguyễn Hàm Ninh)

Lý do Cao Bá Quát đưa ra là con không thể đặt trước cha, tôi không thể đặt trước vua và đạo cha con không thể đặt trước đạo quân thần. Ông sửa lại như vậy là vẹn cả mọi đằng.

Nhưng nhà cháu lại không để ý đến mấy lý do đó mà lại đề cập đến nghệ thuật đặt câu.

Tử năng thừa phụ nghiệp/Thần khả báo quân ân: ý cảu câu đối thuận. Khi đảo lại thì có vẻ hơi ngược tuy vẫn có cấu trúc câu kiểu như thế, vẫn đúng cú pháp.

Quân ân: thần khả báo/Phụ nghiệp: tử năng thừa

(đúng là khi đảo lại phải dùng những dấu hai chấm như vậy,  còn nếu để nguyên câu của vua Tự Đức thì không cần)

Như vậy, có phải là câu đối khỏe khoắn và sinh động hơn hẳn lên phải không các bác.

Bài “Cây sáo trúc” của nhà thơ Huy Trụ, có đoạn, ban đầu ông viết là:

Nếu tính chiều âm vang 
Nó dài hơn dòng sông 
Rộng hơn cánh đồng 
Cao hơn ngọn núi 
Mặc dù thân sáo tính bằng gang.

Sau ông sửa lại:

Nếu tính chiều âm vang 
Có chiều dài: dòng sông 
Chiều rộng: cánh đồng 
Chiều cao: ngọn núi 
Mặc dù thân sáo tính bằng gang.

Làm cho đoạn thơ gọn và hay hơn hẳn (nhà cháu có thể nhớ nhầm một hai chữ)

Vì vậy cặp đối của bác Thịnh:

Mênh mông biển nước thông vờn nguyệt
Sóng sánh trời mây cá giỡn hồ

Nhà cháu thấy để nguyên như thế hay hơn.

Hình như bài của thầy Thịnh làm nhà cháu tốn thời gian hơn cả. He he.

16. Bài của bác Bun Thoong:

Bồng đảo hai gò trên sườn núi
Thông dựng cột buồm trảng vô phong
Công chúa ngủ rừng mơ hỗn hợp
Mân mê hoàng tử thả đòng đong
Bao giờ YÊN ở TRONG khe nhỉ
Để lũ le le khỏi díu đàn
Để cá lững lờ rêu lún phún
Sư thiền yên vị chốn cung tiên

Bài của Bác Thoong thì nhà cháu chịu rồi. Không biết bác í làm theo thể loại nào, thôi thì cứ gọi là thất ngôn bát cú phi đường luật. Hihi.

17. Thơ của bác Nhà Lơ Thơ

Yên Trung giữa núi nứt ra hồ
Nước lọt khe dồn sóng nhấp nhô
Đảo trồi lên thò núm
Cá to ngụp xuống ngập chuôi vồ
Hữu tình sơn thủy ru công ngủ
Vô ý vịt le quậy chúa thơ
Tạo hóa sinh thành nàng tuyệt tác
Sao thằng Thuận dám đạo văn hờ?

Bác Thơ làm đúng niêm luật. Hai cặp đối chỉnh. Tuy vậy bác mắc nhiều lỗi nhưng đều là những lỗi nhẹ:

Câu 1: tiểu vận (chữ thứ 2 và chữ thứ 6 của câu vần không được cùng vần)

Câu 3,7,8: phong yêu (chữ thứ 2 và chữ thứ 7 của câu không được cùng dấu)

Câu 5,6: hạc tất (chữ thứ 4 và thứ 7 của câu không được cùng dấu.

Bác nên sửa ý của câu 8.

18. Bác Du Nhi gửi hai bài. Theo cách xưng hô thì bác Nhi còn ít tuổi lắm. Nhà cháu biết trong số tham gia có bác cao niên, 7, 80 tuổi, cũng có bác kém nhà cháu 1 thế hệ. Nhưng khi bình thơ, nhà cháu cứ xưng hô thống nhất, điều này không có nghĩa là bắt các bác thanh niên phải già đi 🙂

Trước hết nhà cháu bình bài sau đây:
Mảnh nước long lanh giữa đất trời
Núi xanh, thông biếc, khói chơi vơi
Bồng đảo dập dềnh đôi ngọn nhú
Đào nguyên róc rách một ngòi khơi
Giỡn sóng, loi choi bầy cá lội
vui trăng đủng đỉnh lũ cò bơi
Khách thơ dừng bước miên man hứng
Ông tạo cao tay khéo vẽ vời

Bài thơ khá hay. Chữ mảnh mước rất mới, rất hiếm người dùng. Nhưng cũng là mặt bằng như nhau, ta gọi mảnh ruộng được thì sao không gọi mảnh nước được nhỉ?

Rất tiếc là cặp đối thứ nhất bác Nhi lại lạc sang luật bằng. Giá bác đảo lại và sửa thêm một chút thì tốt biết mấy, ví dụ:

Dập dềnh bồng đảo đôi gò nhú
Róc rách đào nguyên một dải khơi

Câu 3 chánh nữu (trong một câu, không được dùng nhiều chữ cùng âm hoặc chữ cái đầu).

Câu 4: phong yêu.

19. Bài thứ hai của bác Du Nhi như sau:

Ở xã Phương Đông có cái hồ
Nước biếc, thông reo, đá nhấp nhô
Cá lội loi choi, kia một lạch
Chim bay xớn xác, nọ hai gò
Thi nhân xướng vận, bao la ý
Mặc khách họa đề, tuyệt diệu thơ
Trộm đọc dăm bài, hoan hỷ thốt:
Ồ!!!

Thơ Đường luật có nhiều thể loại, trong đó có thể Yết hậu. Câu cuối của thể này chỉ có một chữ.

Thơ yết hậu thường dùng trong thể 4 câu, nhưng nếu dùng trong thể 8 câu cũng không sao.

Thực ra, ý nhà cháu khi ra đề là chỉ nói đến thể thơ Đường luật cơ bản (phổ biến nhất) nhưng nhà cháu quên không nói cụ thể. Nhưng bác Nhi đã đưa ra bài thơ Yết hậu thì nhà cháu vẫn cứ bình.

Hai cặp đối của bác Nhi hoàn chỉnh về mặt đối. Về ý thì cặp đối 2 hay hơn, còn câu 2 của cặp 1 thì Chim bay xớn xác với nọ hai gò không ăn nhập gì với nhau.

Chỉ tiếc rằng bài này bác Nhi làm theo luật bằng nhưng lại mở đầu bằng câu luật trắc, câu này lại văn xuôi quá.

Nếu không vì câu mở đầu thì đây là một bài thơ hay.

20. Bài của bác Lý:

Yên Trung thấp thoáng phủ sương lam
Khẽ động cành thông, gió lướt thầm
Bồng đảo đôi gò, soi nước biếc
Cô hằng một bóng, ngắm non xanh
Xa xa cá quẫy đùa theo sóng
Chốc chốc le kêu, gọi với đàn
Ngắm cảnh se lòng non với nước
Ai người chẳng động chút tâm can

Thơ bác Lý có hồn. Hai câu kết hay. Chữ “chút” nếu thay được thì tốt.

Bác không nên dùng chữ Yên Trung vì Yên Trung có thể là tên hồ, có thể là tên địa danh. Nếu dùng chữ “mặt hồ” thì ổn hơn. Khi đó, còn ba chữ cùng thanh không sẽ nhẹ đi lỗi chánh nữu.

Chữ “xanh” bị lạc vận.

Chữ “lam” thông vận với chữ “thầm” và chữ “đàn” (lam/thầm, lam/đàn) nhưng chữ “thầm” lại không thông vận với chữ “đàn”. Ấy cái chuyện thông vận nó lại rắc rối như thế. Ví dụ bác hợp với bác A và bác B, nhưng có khi hai bác í lại không hợp nhau, thậm chí còn ghét nhau là đằng khác.

Như vậy có thể 5 chữ vần không nhất thiết phải thông vận hoàn toàn với nhau. Cái khéo của người làm thơ là rê dắt sao cho nó liên tiếp vào vần. Ví dụ vị trí chữ xanh là chữ “cam” thì nó được rê dắt theo kiểu “lam>thầm>cam>đàn>can”. Chữ “thầm” chẳng có họ hàng gì với chữ “đàn” nhưng lại được chữ “cam” làm trung gian chuyển hóa nên cả bài thơ lại vần.

“Bồng đảo” và “Cô Hằng” không chỉnh. “Bồng đảo” là từ Hán – Việt, “cô” là từ Việt. Sao bác không dùng chữ “Hằng Nga” có hơn không, cho dù “bồng đảo” đối với Hằng Nga không chỉnh lắm nhưng vẫn hơn là đối với “cô Hằng”.

Chữ “đôi gò” đối với “một bóng” là chỉnh rồi, “đôi/một” mà. Nhưng phải nhà cháu thì nhà cháu sẽ dùng chữ “lẻ bóng”. Nếu gọi là đối chan chát thì “lẻ” đối với “chẵn”, nhưng trong trường hợp này, “lẻ” đối với “đôi” lại rất tuyệt, chữ “lẻ” đặt vào ngữ cảnh này rất gợi cảnh, gợi tình.

Bác bị trùng hai chữ “non” và hai chữ “nước”

*****

Trước tình hình thơ còn mắc nhiều lỗi, nhật là hay bị thất niêm, nhưng vì nhà cháu không định phổ biến cách làm thơ Đường luật nên chỉ gợi ý bác nào chưa rành hoặc đã quên thì nên truy cập vào công cụ tìm kiếm google để ngâm kíu thêm:

–    Các bảng luật của thơ Đường luật
–    Thế nào là luật bất luận
–    Thế nào là niêm trong thơ Đường luật
–    Các lỗi thường gặp khi làm thơ Đường luật (8 bệnh)
–    Đối trong thơ Đường luật
–    Các hình thức họa thơ
–    Bố cục một bài thơ Đường luật.

21/11/2012

NTT

NÓI LẠI:

Bác Đất có phản hồi lại để bảo vệ ý kiến của bác Lệ về việc góp ý cho 2 câu của bác Thịnh. Quả thật là nhà cháu bị nhầm khi bảo vệ cho bác Thịnh. Như nhà cháu đã nói, khi bị thất niêm, đọc lên rất khó nhận ra nếu không rà soát tỉ mỉ.

Như vậy là phát hiện của bác Lệ đúng. Bác Thịnh làm thơ theo bảng luật bằng nhưng hai câu:

Mênh mông biển nước thông vờn nguyệt
Sóng sánh trời mây cá giỡn hồ

lại bị lạc sang bảng luật trắc.Thế mà nhà cháu lại âm mưu đem bài này đi ứng cử giải Nobel. Hu hu.

Thường là khi chữa câu bị thất niêm, ta hay đảo lại như bác Lệ đã góp ý. Nhưng đảo lại vẫn chưa ổn mà còn phải đảo tiếp thanh vị trí thứ 6:

Biển nước mênh mông thông vờn nguyệt
Trời mây sóng sánh cá giỡn hồ

Ví dụ:

Biển nước mênh mông thông giỡn nguyệt
Trời mây sóng sánh cá vờn hồ

Chữ vờn thay bằng chữ nào đó không dấu đọc nghe êm hơn.

Xin lỗi bác Lệ và bác Đất nha.

22/7/2012

NTT

Cùng chủ đề:

Thi dịch văn xuôi thành thơ Đường luật

Cuộc “thi” Dịch văn xuôi ra thơ Đường luật ngày đầu tiên.

Bài tham gia cuộc “thi” dịch văn xuôi ra thơ Đường luật (2)

25 thoughts on “Bài tham gia cuộc “thi” dịch văn xuôi ra thơ Đường luật (phần 3)

  1. Về bài của bác Thịnh, Bác Nhật Lệ đề nghị đổi vậy mới đúng luật bác Thụy à.
    Câu 3 và 4 sẽ thành :
    Biển nước mênh mông thông vờn nguyệt
    Trời mây sóng sánh cá giỡn hồ
    Lỗi này tôi bị bác bắt hôm kia, sao bác quên ?
    Chữ thứ 2 của câu 3 và câu 5 không được cùng một thanh !
    B – B – T – T – T – B – B (vần)
    T – T – B – B – T – T – B (vần)
    T – T – B – B – B – T – T
    B – B – T – T – T – B – B (vần)
    B – B – T – T – B – B – T
    T – T – B – B – T – T – B (vần)
    ……

  2. Anh Tường Thụy ơi,
    Sau khi đọc rất kỹ những lời bình (và lời khuyên) của anh thì em thử thêm một bài nữa.
    Lần này là để thi thật đấy nhé hì hì…

    YÊN TRUNG HỒ (2)

    Yên Trung lặng lẽ chốn cao san (sơn)
    Chỉ tiếng chim gù vọng chứa chan
    Óng ánh lòng hồ trăng vãi ứ
    Ì ầm ĐỈNH núi suối tuôn tràn
    Ngàn thông sừng sững xua mây toả
    Lũ cá lao xao hất sóng lan
    Một bước lạc vào tiên cảnh thực
    Biết đâu phú quý với cơ hàn ???

    Strasbourg, ngày 21/11/2012
    – Hoàng Hạc Ng. Vô Vi – (Tâm Thiện)

    (T.B. Em còn có một số thơ theo thể Đường luật, giá mà được anh giúp sửa cho thì hạnh phúc lắm)

  3. Anh Thụy, khi nào trao giải thì nhớ mời chủ tịt hội nhà văn hữu thỉnh, nhà văn hữu ướt và bác sơn bên bộ ngoại giao ra trao giải nhé. Riêng tiền lót tay cho các vị ấy em sẽ lo bác yên tâm (theo thông tin trước đây hoàng quang thuận lo mỗi người 5 vé chuyện nhỏ). Nếu rảnh bác mời luôn hoàng quang thuận nhé.
    Chân thành cảm tạ

  4. Hi hi, cảm ơn Ban Tổ chức và các chuyên gia góp ý nhưng nhà em nghị là tại răng lại không phá cách một chút? Xưa, có bậc thầy đã làm rồi, nhà em học theo thôi: “Bạch vân thiên tải không du du” và ” Hoàng Hạc nhất khứ bất phục phản”? Kính chúc các bác khỏe, vui. Lần ni rứa là phải “cho qua”, lần sau bình hay đạo thơ Hữu Thỉnh, nhất định rinh giải (vì Nguyễn Hoàng Quân nói 5 vé là chuyện nhỏ, hê hê – không rinh thì uổng)

  5. Tô Oanh gửi bài của Nguyễn Xuân Độ ( TP Bắc Giang ) để góp vui :

    CẢNH YÊN TRUNG

    Phóng mắt nhìn quanh khắp mặt hồ
    Một vùng non nước cảnh nên thơ
    Đôi gò bồng đảo thiên nhiên tạo
    Mấy lão Ngư ông đuổi sóng xô
    Tiếng suối lưng đèo nghe rí rắc
    Trông đàn vịt lội đẹp như mơ
    Khen ai khéo chọn nơi này nhỉ
    Đệ nhất sơn nam để dựng chùa.
    Xuân Độ

  6. Tin khẩn! Bác Thụy xem đăng lại thông tin trên bbc cho mọi người rõ về việc Trung cộng in bản đồ đường lưởi bò lên hộ chiếu cho công dân họ. Bác đăng lên đây em nghỉ giới sỉ phu Bắc hà sẽ có tính toán đó??? Thú thật chỉ trong cậy vào các bác chứ sài gòn thì toàn nói suông….hết xin rùi lại xỏ

  7. SÓNG XÔ

    Mặt nước lưng đèo dậy sóng xô
    Nom xanh núi biếc trải quanh hồ
    Đôi gò bồng đảo ngàn thông mọc
    Cá lượn ngang đồi thoáng nhấp nhô
    Trăng sáng in hình cây lấp ló
    Sao trời tỏa bóng cảnh nên thơ
    Lắng nghe chim hót, le bơi lội
    Lữ khách say tình dáng ngẩn ngơ

    Xuân Độ
    ======
    NTT: Bài gửi vào email

  8. THƠ THẦN
    Ngang núi sinh ra một cái hồ,
    Một thằng thi sỹ đến làm thơ.
    Thắp nhang cầu Phật thần linh đáo,
    Đốt nến xin Trời thánh hiển cho.
    Thịt cá, chim cò bày khám nhỏ,
    Xôi gà, chó lợn soạn mâm to.
    Trăm ngàn vái lạy sơn thần ứng,
    Phù hộ cho con vịnh cái HỒ.

  9. Pingback: Tin thứ Sáu, 23-11-2012 « BA SÀM

  10. Kính gửi mấy nhời, thưa bác Thụy,

    Đệ quyết ra tay giật giải này
    Cho dù chỉ được lĩnh âm tay
    Cho dù chẳng thạo thi thơ phú
    Bởi vưỡn theo trâu lội ruộng cày
    Quên béng, ruộng đâu?, trâu đã “phất”! (bán lấy tiền đi thưa kiện)
    Bởi ông Nhà nước đã ra tay
    Mở đường, mở cõi “khu sinh thái”
    nguy thay!
    ————-

    VỊNH YÊN TRUNG

    Yên Trung Công Chúa trút ưu phiền
    Tỉnh mộng ba bề núi kết liên
    Tôm cá quăng mình thêu thủy mặc
    Vạc cò thâu cánh họa đào nguyên
    Dặt dìu bồng đảo đa(thông) tâm sự
    Chiếc bóng trăng khuê Cuội tịnh thiền
    Không có con cu gù vọng gọi
    Xem chừng Từ Thức ngất tình Tiên!

  11. Thú thật với Bác Thụy , tôi chẳng hiểu niêm luật thơ Đường đâu.Hồi học chữ nho tôi rất dốt, thường chữ tác thành tộ, thày giáo bắt nằm úp lên bàn cho mấy roi củ mây vao mông. Nếu bác đổi đề dich văn xuôi ra thơ nôm Hồ Xuân Hương thì may ra tôi mới có giải thưởng.
    Nhưng tôi vẫn cứ làm lại để xin ý kiến Bác:
    Bốn bề núi dựng đá lô nhô
    Ở giữa phô ra cái mặt hồ
    Hai đám thông rì khum bồng đảo
    Bờ nghiêng cá nhảy đẩy sóng xô
    Văng vẳng cuốc kêu bờ xa vắng
    Le le vìn vịt lội thung thăng
    Công chúa ngủ rừng mơ cân cấn
    Hoàng tử ngồi nhìn lũ đòng đong

    Mong bác Thụy cho y kiến

  12. Pingback: Tin thứ Sáu, 23-11-2012 | Dahanhkhach's Blog

  13. Thơ thẩn, thơ thần , thơ chúng xin
    Chúng thề có bạn chúng: phân minh
    Ngày rằm tháng nọ lên đền khấn
    Mồng một năm này xuống phố in
    Đứa vịnh núi sông, Thần nghoảnh mặt
    Thằng ngâm chim cá, Thánh làm thinh
    Con khen mẹ hát cùng nhau sướng
    Chúng nó thi nhau vộn cái lình .

  14. Pingback: NHẬT BÁO BA SÀM : TIN THỨ SÁU 23-11-2012 « Ngoclinhvugia's Blog

  15. Pingback: Anhbasam Điểm Tin thứ Sáu, 23-11-2012 | bahaidao2

  16. Xin mạn phép bác Thụy có góp ý như sau :
    Đến khoa Ất Hợi (1875), Phạm Như Xương đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ (Hoàng Giáp) tại kinh đô lúc 32 tuổi. Cùng đỗ Tiến sĩ ở khoa này có các nhà yêu nước Tống Duy Tân (1837-1892), Trần Văn Dư, những người đã hy sinh vì nước trong cuộc đấu tranh chống lại ách thống trị của thực dân Pháp.
    Trong kỳ thi lần ấy, khi công bố kết quả, tên Phạm Như Xương không có trong danh sách những người đỗ đạt. Tự Đức ra lệnh các quan chấm thi nộp cho xem tất cả những quyển thi đã bị đánh hỏng. Dưới thời phong kiến có khi những bài thi đạt trình độ cao vẫn có thể bị đánh hỏng vì ‘phạm húy’ (sử dụng những từ trùng tên với nhà vua) hoặc vì có những lời lẽ dị ứng với triều đình. Không rõ vì muốn không để sót nhân tài hay là thăm dò lòng người đối với thời cuộc, đối với triều đình mà Tự Đức quyết định xem lại tất cả những quyển thi đã bị đánh hỏng.
    Sau khi xem lại tất cả, có hai bài thi của hai thí sinh được giữ lại để xem xét: đó là bài thi của Phạm Như Xương và của một người nữa có tên là Ý – quê ở ngoài Bắc.
    Tự Đức thấy cả hai người đáng đỗ nhưng khó bề phân loại trên dưới. Nhà vua bèn gọi cho cả hai người vào để khẩu vấn. Qua nhiều đoạn đối đáp, Tự Đức nhận xét:
    Văn chương Xương bất như Ý
    Lý trí Ý bất như Xương
    Tự Đức muốn nói về mặt văn vẻ, lưu loát hấp dẫn thì Như Xương không bằng Ý, nhưng về ý tứ thâm trầm sâu sắc thì Ý không bằng Như Xương.
    Trong khi đối đáp, Phạm Như Xương biểu lộ một trí nhớ rất xuất sắc nên Tự Đức phải khen ngợi: “Xương vị cương ký” (có nghĩa là “Xương nhớ rất giỏi”).
    Trong thời gian ở kinh đô Huế, có lần Tự Đức cho yết kiến, Phạm Như Xương đọc thấy hai câu liễn treo trong nhà:
    Tử năng thừa phụ nghiệp (con phải nối nghiệp cha)
    Thần khả báo ân quân (làm tôi phải báo ơn vua)
    Mặc dù biết rõ đó là những câu liễn do Tự Đức sáng tác nhưng Phạm Như Xương vẫn tâu với nhà vua: “Nếu để hai câu liễn như thế thì ắt nước phải bị loạn”. Tự Đức hỏi lý do vì sao thì Phạm Như Xương trả lời: “Đó là vì con mà đứng trên, đứng trước cha; tôi mà đứng trên, đứng trước vua thì kỷ cương sẽ không còn nữa, đất nước khó bình ổn”.
    Tự Đức bảo: “Cho phép nhà ngươi sửa lại”
    Phạm Như Xương bình tĩnh trả lời:
    Quân ân thần khả báo
    Phụ nghiệp tử năng thừa
    Theo cách sửa của Phạm Như Xương thì câu nói về vua được đưa lên trên, và chữ “Vua” được đưa ra phía trước; còn câu nói về “Cha” được đưa ra sau và được đưa ra trước chữ “con”. Tự Đức khâm phục và ban thưởng cho Phạm Như Xương rất hậu (1-12,13).
    Có một giai thoại về việc Phạm Như Xương là chủ khảo tại một kỳ thi ở Nghệ An (chưa rõ năm, tháng) được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Nghệ An nổi tiếng là đất học, không ít người tài, có rất nhiều người học giỏi. Khi Phạm Như Xương đến Nghệ An thì sĩ tử đã tề tựu tấp nập, lều chõng đã được chuẩn bị sẵn sàng. Thấy quan chủ khảo còn khá trẻ, sĩ tử hơi có ý coi thường. Theo lệ thi, năm đó sĩ tử phải giải 100 đề thi. Sĩ tử bảo nhau rằng quan chủ khảo khó mà có thể ra được 100 đề thi, mà nếu có soạn được thì chắc cũng dài lê thê, lướt thướt.
    Ngày vào thi chính thức, sĩ tử nhận được đề thi gồm có 100 vấn đề phải giải, nhưng đề thi lại rất ngắn. Đề thi được ra như sau:
    “Thất thập nhị hiền, hà hiền hà đức?”
    (Trong số 72 ông hiền, mỗi ông có đức tính nào nổi bật?)
    “Nhị thập bát tú, hà tú hà công?”
    (Trong 28 vị có tài dưới thời Lê Thánh Tông, mỗi vị có tài gì nổi bật?)
    Mặc dù đề ngắn gọn, không dài dòng, nhưng đòi hỏi bài thi phải giải đáp được 100 câu hỏi. Không sĩ tử nào có thể làm bài đầy đủ. Khóa thi ấy rất nhiều người bị trượt.
    Hiện nay trên “Văn bia nêu danh Tiến sĩ khoa Ất Hợi triều Tự Đức năm thứ hai mươi tám, phần ban cho “Đệ giáp Tiến sĩ xuất thân” có hai người. Khoảng dành cho người số 1 bị bỏ trống. Đó chính là Phạm Như Xương. Còn ở phần ban cho đỗ “Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân “thì có đến chín người. Người thứ 5 trong số 9 người ấy cũng bị bỏ trống, vì tên đã bị đục khỏi bia Tiến sĩ. Đó chính là Tống Duy Tân – người Thanh Hóa, đã tham gia phong trào Cần Vương chống Pháp và bị thực dân Pháp kết án tử hình lúc mới 56 tuổi. (3-327-331).

    • Cảm ơn bác thi pham đã cung cấp thêm tài liệu. Sự việc này có nhiều tài liệu chép khác nhau về nhân vật trong câu chuyện. Nhưng ở đây nhà cháu chỉ quan tâm đến việc sửa thơ như thế là hay hơn thôi chứ không có ý đi tìm ai là những người có liên quan đến câu chuyện này. Nhưng bác hay bác nào đó có bài viết nghiên cứu về người sửa câu đối Tự Đức là ai thì cũng rất hay. Nhà cháu sẽ đăng lên blog này ạ

  17. Đợt đầu rớt, Lý em xin thi lại

    Mênh mông sóng biếc chập chùng khơi
    Ngước mặt trông ra nước giáp trời
    Cá lũ liên hồi đua sức vẫy
    Le đàn lác đác nối nhau bơi
    Lênh đênh bóng nguyệt dầm sương phủ
    Réo rắt cành thông quyện gió hời
    Nhuốm cảnh thêm chùn chân lữ khách
    Nghe lòng nặng trĩu giọt châu rơi

  18. Sau một hồi ngâm cứu luật bằng trắc,con gửi tới Thầy bài dịch thứ hai này. Con nhờ Thầy phân tích niêm ,luật… khai trí cho con được mở rộng tầm nhìn, Kính !

    Nắng nhuốm trùng mây ngã ráng chiều
    Làn sương mờ ão cảnh tiêu diêu
    Mặt hồ soi bóng hàng thông đứng
    Đáy nước in hình vách đá xiêu
    Cá đớp chân bèo nghe quạnh vắng
    Chim gù đỉnh núi thoáng cô liêu
    Thi nhân mỏi bước sầu lữ thứ
    Cảnh cũ, tình xưa bặt bóng kiều.

    Thưa thầy cho con chỉnh lại một tí tẹo, vì bài hồi nãy bị lổi câu bảy ạ !

    • Bạn dùng sai dấu hỏi = ngã ngay trong hai câu đầu tiên, mần răng mà bình cho nổi? Chưa kể cái từ “cá đớp” nó dung tục quá, thơ chẳng đớp bao giờ. Bạn có nhớ cụ Nguyễn Khuyến viết thế nào để diễn đạt “cá đớp” không: Cá đâu đánh động dưới chân bèo… Thân…

      • Con cãm ơn Thầy đã chỉ dạy ạ,nhưng con có một thắc mắc nhỏ : vốn con thích cái bài thơ “Hạn chế” í, vì con làm culi mà ,mổi khi đi tiểu tiện và đại tiện thì đám chủ đại hàn nó cho mấy phút hà. Do vậy, con nhờ thầy phân tích cái chữ ĨA trong câu” đến buồn đi IÃ cũng không cho” có dung tục không ạ ? con hơi tối dạ, xin Thầy phân tích kỷ một chút ạ, Kính !

  19. Bác Thụy dạo này bận việc hay hồi xuân mà nỏ có bình thơ? Hay bác nhiễm bệnh của QH nước ta rồi? He he, nhà em muốn cuộc thi này kết thúc nhanh nhanh để vào cuộc “mần” cái ông Hữu Thỉnh, không có giải không lấy tiền(!) Xin góp với bác ý kiến nhỏ: Nếu như có được nguồn tài trợ nào đó (nỏ phải nhà em, vì nghèo lắm), cứ 3 tháng một lần, tổ chức làm thơ về ông X nào đó, vấn đề Y nào đó thì HAY và NGHĨA chẳng kém gì CLB NO-U… Giải thưởng có thể là một cặp áo NO-U, một cái hộ chiếu lưỡi bò bằng thạch cao bị cắt sát tận gốc… He he, xin mời bác Thụy và cả nhà góp ý, mở rộng thêm lên. Nhà em nghĩ mãi về BÀI HỌC NHẤT BỘ NHẤT BÁI mà chẳng nghĩ ra cái gì cho ra hồn nên viết cái còm này… Kính!

    • Kg thầy Thịnh
      Em xin tự giới thiệu em học địa chất K14 ĐHTH Huế ( ra trường năm 1994) mặc dầu không học thầy nhưng em rất ngưỡng mộ thầy qua các bài viết, em vào google tìm blog của thầy nhưng…nhiều bài viết của thầy mạnh tay (chẳng hạn về đối thoại ông vua đất thần kinh…hay ông mê ông mang chi chi đó…làm em cũng thót tim). Xin hỏi sức khỏe thầy bình phục chưa mà các bài viết gần đây đều thấy ghi viết tại Quãng Trị, thầy chưa đi dạy lại à. Một lần nữa chúc thầy mau hồi phục sức khỏe và phong độ đi dạy lại để còn truyền vài chiêu “Lịch sử Thế giới” cho các nhà sử học tương lai

  20. Nhà cháu xin kính chào thầy Thịnh ạ!
    Dạo rồi nghe nói thầy bệnh nặng, nay thầy bình phục nhiều chưa ạ. Thầy cũng thức khuya thế, chắc đọc sách hay viết bài. Vừa rồi được đọc của thầy mấy bài liền trên trang bô xít, nhà em rất khâm phục!
    Về ý kiến “mần” một số vị “đại su hào” hoặc thơ “vịnh ông X”, Y, Z của thầy em thấy hấp dẫn đấy ạ. Như em, vốn không phải dân làng văn hay trí thức gì cả, chữ nghĩa ít lắm, nôm na như dân tộc, dẻo cao về văn chương vậy, nhưng cũng thấy hứng thú. Nếu bác Thụy hay các bác, các thầy có lòng mở mục này, có sân chơi, nhà cháu đoán bà con ta sẽ “dập dìu” dắt díu nhau tới đông đấy. Đặc biệt, nếu đề ra là “Vịnh đồng chí X” chẳng hạn, thì tin rằng nông dân nhà chúng cháu sẽ sẵn lòng: “cho cả hai tay lẫn cẳng tay” liền.
    Xin chúc thầy Thịnh, bác Thụy sức khỏe ạ!
    Kính.

  21. Pingback: Kết thúc cuộc “thi” dịch văn xuôi – nguyentuongthuy « Vô Ngã

Đã đóng bình luận.