Nguyễn Hoàng Đức trả lời bạn đọc blog NTT và chủ trang

Định gửi nội dung trả lời của Nguyễn Hoàng Đức vào phần phản hồi nhưng lại thôi, đưa lên thành bài cho … vui.

Nguyễn Hoàng Đức trả lời bạn đọc blog NTT và chủ trang

.

V.Đ: Đọc, thấy rất lý thú;
Tuy nhiên cũng muốn bác Trang chủ giới thiệu qua về tác giả Nguyễn Hoàng Đức; Vì nếu không có thông tin tối thiểu thì đành dựa cột mà nghe thôi.
Mong thay.

Kính.

Chủ trang: (Im lặng)

V.Đ: Đã có câu hỏi với bác Trang chủ: Tác giả là người thế nào? – Chưa có lời đáp, nhưng tôi cũng tự “giải quyết“ bằng cách tìm các bài theo tên tác giả mà Trang nhà đã có ý để link. Có 8 bài với bài mới này là thứ 9.

Tác giả chuyên về luận lý; mà luận lý thì dễ khô khan. Người phỏng vấn (ông Hữu Lý) muốn tránh điều đó chăng, nên cố thêm phần “thư giãn“?

Chủ trang: Về câu hỏi NHĐ là ai thì chỉ có NHĐ trả lời được thôi, còn tôi không thể. Lý do: biết chưa đầy đủ, nhỡ nói sai, nhỡ nói ra điều mà bản thân người ấy không muốn.

Vậy xin phỏng vấn anh Nguyễn Hoàng Đức một câu thôi: Anh có thể cho độc giả blog NTT biết đôi nét về mình?

Nguyễn Hoàng Đức: Xin trả lời bạn đọc của trang Nguyễn Tường Thụy đôi lời.

<= Nguyễn Hoàng Đức – Ảnh blog Lê Quốc Quân.

Về bản thân tôi, những gì nhiều hơn và kỹ lưỡng hơn, trước kia đã từng đăng trên mạng chungta.com, nếu bạn muốn hiểu rõ hơn xin vào trang mạng đó. Còn ở đây tôi xin trả lời vắn tắt đôi dòng.

Nguyễn Hoàng Đức sinh năm 1957. Nơi sinh Hà Nội. Quê nội Ninh Bình. Quê ngoại Hà Tĩnh.

Đã xuất bản  1 chuyên luận triết văn “Ý hướng tính văn chương”, 1 tiểu luận văn học “Cô đơn con người, cô đơn thi sĩ”, 2 tập truyện ngắn “Những người chăn kiến” và “Leo gác ngược”, 2 trường ca “Kẻ hành hương từ đời đến thơ”, và “Đợi chuyến đò đã lỡ”, 1 tập thơ “Điệu kèn cô đơn”,  3 tập tiểu luận tình yêu, 2 cuốn tuyển dịch “Cẩm nang mỹ học, nghệ thuật, thi ca, phê bình”, và “Hành trình thi ca vào thế kỷ 21”. Hiện tôi có hơn một chục cuốn sách khác đang chờ in bao gồm  chuyên luận, tiểu thuyết, kịch, trường ca, và tiểu luận. Rất mong một ngày gần đây được giới thiệu cùng bạn đọc và để được chen vai thích cánh trong vườn hoa văn hóa và văn học. Có một văn hào nói “tác phẩm là quyền lực”, khi tác phẩm của mình không chào đời, mình như mang nỗi buồn bị liệt vậy…

Chủ trang: Cảm ơn nhà … (Không biết gọi là nhà gì cho chính xác hơn cả mà lại tương đối đầy đủ, kê hết ra thì ngại dài, thôi đành quay trở về cách xưng hô thường ngày) Thay mặt bạn đọc, cảm ơn anh.

06/12/2012

NTT

Ps: Định phỏng vấn tiếp: Tôi lấy ảnh trên từ blog Lê Quốc Quân vì ảnh này trông đẹp trai sáng sủa hơn cả. Tôi nhận ra ảnh này được chụp tại tư gia của anh vì tôi đã được anh mời đến giao lưu cùng anh chị em văn nhân Hà Nội. Trong ảnh có những cái bao. Hẳn bạn đọc tò mò muốn biết trong những cái bao ấy là gì? Gạo? Khoai tây? Cám lợn? Hay là sách?  Chẳng lẽ trong nhà anh không có bàn tay của phụ nữ? 🙂

7 thoughts on “Nguyễn Hoàng Đức trả lời bạn đọc blog NTT và chủ trang

  1. Cảm tạ

    Cảm ơn hai bác Nguyễn Tường Thụy và Nguyễn Hoàng Đức về sự chu đáo và đầy đủ của thông tin.
    Tôi mong tìm đọc được các tác phẩm của anh Đức để rộng thêm hiều biết.

    Một điều chắc chắn rằng sau khi được coi hai bức ảnh của hai anh, tôi không dám đưa ai xem ảnh của tôi! – :-).

    Kính mến.

  2. Pingback: Tin thứ Năm, 06-12-2012 « BA SÀM

  3. Pingback: Tin thứ Năm, 06-12-2012 – cập nhật | Dahanhkhach's Blog

  4. Bác NHĐ đúng là dị nhân bất phùng thời! tôi ở trong Nam, hay nghe bác Bùi Văn Nam sơn nói chuyện. xin hỏi bác NHĐ: bác đánh giá thế nào những bản dịch Heghen, Kant của BVNS? Muốn có được những quyển sách của bác thì phải mua ở đâu?

  5. Pingback: NHẬT BÁO BA SÀM : TIN THỨ NĂM 6-12-2012 « Ngoclinhvugia's Blog

  6. Khảo cứu „Văn hóa“

    Xin tiếp tục khảo về „văn hóa“.
    Lý do tiếp tục ở đây như sau:
    + Như đã nhận xét: Bác Trang chủ rất tâm huyết với đề tài này nên đã post một loạt bài của anh Nguyễn Hoàng Đức là ngươì khảo cứu sâu về bản chất và hình thái văn hóa.
    + Tôi nhớ anh Đào Tiến Thi đã chia sẻ rằng chính „phông văn hóa“ là cái nền tảng chi phối mọi động thái của con người và xã hội. Tiếp tục đề tài này cũng có thể góp phần soi chiếu những vấn nạn hiện thời.
    + Bác montaukmoskito đã có nhận xét ngắn nhưng khá cụ thể, đáng lẽ nên tiếp nối nơi đó; Nhưng tôi muốn chuyển sang đây vì cùng trên Trang nhà và có lẽ sẽ được học hỏi thêm những ý kiến của bác Nguyễn Hoàng Đức.

    Như để „khởi động“, xin chép lại (từ cuốn sách in) một số đoạn trong „Việt Nam văn hóa sử cương“ của cụ Đào Duy Anh (viết tại Huế năm 1938, Tủ sách „Khởi hành“ in lại năm 1990)

    Trang 13:

    Văn hóa tức là sinh hoạt.

    Vì lẽ gì mà văn hóa của các dân tộc lại khác nhau như thế? Vì rằng cách sinh hoạt của các dân tộc không giống nhau. Chính vì những điều kiện tự nhiên về địa lý khiến mỗi dân tộc sinh hoạt ở trên cơ sở kinh tế khác nhau, cho nên cách sinh hoạt cũng thành khác nhau vậy.

    Trang 22:
    Về tính chất tinh thần thì người Việt Nam đại khái thông minh, nhưng xưa nay thấy ít người có trí tuệ lỗi lạc phi thường. Sức ký ức thì phát đạt lắm. mà giầu trí nghệ thuật hơn trí khoa học, giầu trực giác hơn lý luận. Phần nhiều người có tính ham học, song thích văn chương phù hoa hơn là thực học, thích thành sảo và hình thức hơn là tư tưởng hoạt động. Não tưởng tượng thường bị não thực tiễn hòa hoãn bớt cho nên dân tộc Việt Nam ít người mộng tưởng, mà phán đoán thường có vẻ thiết thực lắm. Sức làm việc khó nhọc, nhứt là người ở miền bắc, thì ít dân tộc bì kịp. Cảm giác hơi chậm, song giỏi chịu đau đớn cực khổ và hay nhẫn nhục. Tính khí cũng hơi nông nổi, không bền chí, hay thất vọng, hay khoe khoang trang hoàng bề ngoài, ưa hư danh và thích chơi bời cờ bạc. Thường thì nhút nhát và chuộng hòa bình, song ngộ sự thì cũng biết hy sinh vì đại nghĩa. Não sáng tác thì ít, nhưng mà bắt chước, thích ứng và dung hòa thì rất tài. Người Việt Nam lại rất trọng lễ giáo, song cũng có não tinh vặt, hay bài bác chế nhạo.
    Đó là lược kể những tính chất tinh thần phổ thông nhất của người Việt Nam, cũng có tính nguyên lai từ thượng cổ mà có thay đổi chút ít, cũng có tính do lịch sử và trạng thái xã hội un đúc dần thành, cho nên ta đùng xem những tính chất ấy là bất di bất dịch.

  7. “… Trong ảnh có những cái bao. Hẳn bạn đọc tò mò muốn biết trong những cái bao ấy là gì? ” <<< Chắc là túi khôn trong chuyện cổ tích VN 🙂

Đã đóng bình luận.